Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Bồi thường thiệt hại khi tai nạn do xe máy gây ra cho người đi bộ thế nào?

Kính thưa công ty luật, nhờ luật sư tư vấn về vấn đề xe máy gây tai nạn cho người đi bộ rồi bỏ chạy và trách nhiệm pháp lí phải chịu. Cụ thể như sau: Bố tôi có đi bộ sang đường, lúc trời mưa che khuất tầm nhìn nên bố tôi bị một xe máy do một phụ nữ tông vào.

Vụ tai nạn đó bố tôi bị ngã chảy rất nhiều máu và chị kia bỏ lại xe máy không đưa đi cấp cứu,- Bố tôi được người khác đưa đi cấp cứu và  khâu mất 8 mũi trên đầu và 1 mũi ở sống mũi. Nằm viện 15 ngày và đc bảo hiểm thanh toán 100%. Chỉ mất 500k chắc tiền mua thuốc ngoài- và trong 15 ngày đó dù được liên lạc rất nhiều nhưng tuần đầu chị kia không bắt máy, tuần thứ 2 bắt máy thì bảo đi công tác (làm nghề thầy bói) và sau khi xuất viện mới đến gặp và xin xí xóa không bồi thường (chị ta quen một người bác tôi nên bác tôi bảo giàn xếp không có công an can thiệp hiện trường)Vậy cho tôi chị chị ấy bị tội gì, và tôi có thể đòi được những quyền lợi gì từ chị ta. Tôi xin chân thành cảm ơn

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia! Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 32, Luật giao thông đường bộ quy định về người đi bộ như sau: “1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

2. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.

3. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

4. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.”

Đối với trường hợp của bạn, do bạn không đề cập cụ thể đến tình huống bố bạn bị tai nạn là như thế nào nên tôi không thể xác định được lỗi gây tai nạn gia thông là do ai thế nên có thể chia làm hai trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất, bố bạn đi bộ qua đường đúng theo quy định của pháp luật nêu trên và bị người điểu khiển xe máy đâm vào

Khi đó, theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chị điều khiển xe máy có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 6 Nghị định này : “ 1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a)Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm d, Điểm đ, Điểm h Khoản 2; Điểm c, Điểm đ, Điểm h, Điểm m Khoản 3; Điểm c, Điểm d, Điểm g, Điểm i Khoản 4; Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm e Khoản 5; Điểm b Khoản 7; Điểm a Khoản 8; Điểm d Khoản 9 Điều này;

…d) Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho xe thô sơ;

đ) Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ;…”

Bên cạnh đó, chị điều khiển xe máy khi gây ra tai nạn cho bố bạn đã bỏ chạy mà không dừng lại tham gia cấp cứu cho bố bạn, vì vậy, chị điều khiển xe mấy có tểh còn bị phạt theo quy định tại Khoản 7, Điều 6, Nghị định này: “7. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người Điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn”.

Hơn thế nữa, người điều khiển xe máy đâm vào bố bạn khi bố bạn đang đi bộ đúng theo quy định của pháp luật gây thương tích cho bố bạn, vì vậy, người điều khiển xe máy còn có thể phải chịu trách nhiệm với thương tích của bố bạn, cụ thể:

- Nếu bố bạn bị thương tật với tỉ lệ giám định là từ 31% trở lên, người điều khiển xe máy sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ theo quy định tại Bộ luật hình sự: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến năm năm.”

- Nếu bố bạn bị thương tật với tỉ lệ giám định dưới 31% thì người điều khiển xe máy sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hai cho bố bạn theo quy định tại Điều 590, Bộ luật dân sự 2015: “1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”

Trường hợp thứ hai, bố bạn đi bộ qua đường không đúng với quy định của pháp luật mà bị người điều khiển xe máy đâm vào

Theo quy định của Điều 585, Bộ luật dân sự về Nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì: “4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”. Do vậy, bố bạn sẽ không được bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, người điều khiển xe máy khi gây ra tai nạn đã bỏ chạy, mà không tham gia cứu giúp người bị tai nạn nên theo quy định tại Khoản 7, Điều 6, Nghị định 46/3016/NĐ-CP thì người đó sẽ có thể bị chịu phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo