LS Vy Huyền

Tư vấn vay tín chấp

Gần đây, cháu có nhận được điện thoại từ Ngân sách yêu cầu trả món nợ 8,1 triệu đồng do mẹ cháu vay trước đây. Tuy nhiên, có vài vấn đề như sau: Trước năm 2006, mẹ cháu có đứng ra vay tín chấp ngân hàng một khoản tiền. Vì lúc đó còn nhỏ nên cháu không được biết rõ là bao nhiêu. Ba mẹ cháu ít học, lại đi làm lao động cả ngày không đến ngân hàng cho vay trả được. Mẹ cháu đã trả tiền hàng tháng thông qua bác Tổ trưởng tổ dân phố. Bác Tổ trưởng đã thay mặt đi thu tiền một số hộ vay giống mẹ cháu.


Năm 2009, bệnh tình mẹ cháu trở nặng không đi lại được, gia đình cháu bán nhà chuyển đi nơi khác (vẫn trong thành phố). Sau khi bán nhà, ba cháu có mang một khoản tiền qua trả cho bác Tổ Trưởng. Lúc đó anh em cháu không đi cùng, mẹ ốm nặng cũng ko đi cùng được. Vì thế, thực sự không ai ngoài ba cháu và bác Tổ trưởng rõ ba cháu đã trả bao nhiêu tiền, đã trả hết chưa.
Năm 2012, mẹ cháu mất. Khoảng 2013, bác Tổ trưởng Tổ dân phố cũng qua đời. Ba cháu vì việc này mà suy sụp rất nhiều, bị điếc và giảm sút trí nhớ. Bây giờ hỏi lại chuyện cũ, ba cháu cũng không nhớ rõ.
Tuyệt nhiên, trong thời gian từ khi ở nơi ở cũ, bán nhà đến khi chuyển đi, và sống ở nơi mới, gia đình cháu không nghe bên chính quyền hay ngân hàng hỏi gì về khoản nợ này.
Tháng 10/2015, hôm nay cháu nhận được điện thoại yêu cầu thanh toán khoản nợ 8,1tr từ 1 người, bảo từ Ngân hàng. Cháu yêu cầu được xem chứng từ, hợp đồng vay thì chờ mãi chưa thấy gửi mail cho cháu.
Câu hỏi của cháu là
1.   Về khoản nợ này, nếu không có chứng từ, gia đình cháu chắc chắn sẽ không có trách nhiệm thanh toán.
2.   Nếu khoản vay này có thật, tại sao ngân hàng suốt thời gian gần 10 năm qua không hề nhắc nợ cho đến hôm nay. Cháu đã hỏi ngân hàng thì ngân hàng bảo không biết chỗ ở của cháu, họ kiểm lại chứng từ thì thấy??? Vậy thời hiệu khởi kiện là bao lâu đối với việc vay tín chấp này?
3.   Nếu hiện tại dia đình cháu quá khó khăn, bản thân bố cháu và an anh cháu không có khả năng chi trả thì sẽ thế nào?
Bác giải đáp hộ cháu nhé.
 
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
 

Thứ nhất, nếu không có chứng từ về việc vay vốn thì sẽ không có đủ cơ sở để yêu cầu trả tiền vay

 

Khoàn 5 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

 

“5. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.”

 

Nếu không có chứng cứ chứng minh việc mẹ bạn đã vay một khoản tiền từ phía ngân hàng và bạn không hề biết về khoản vay mà mẹ bạn vay thì bạn không có nghĩa vụ trả tiền (trên phần di sản mẹ để lại). Hơn nữa kể cả khi khởi kiện ra Tòa án, phía ngân hàng không có bất kỳ một chứng cứ nào thể hiện mẹ bạn vay tiền thì yêu cầu của người khởi kiện là không có căn cứ.

 

Thứ hai, trường hợp này sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện

 

Điều 155 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về không áp dụng thời hiệu khởi kiện:

 

“Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

 

1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.

 

2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

 

4. Trường hợp khác do luật quy định.”

 

Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 (Điểm d Khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015).Khi tranh chấp hợp đồng vay tiền đối với nợ gốc thì chủ nợ có quyền khởi kiện bất cứ lúc nào vì đối với các trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu thì pháp luật không quy định về thời hiệu khởi kiện.

 

Thứ ba, nếu mẹ bạn thực tế chưa trả tiền thì nghĩa vụ của bạn và bố bạn như thế nào?

 

Nếu khoản vay của mẹ bạn là nghĩa vụ riêng (do mẹ bạn tự xác lập, sử dụng với mục đích riêng và không vì nhu cầu của gia đình) thì bạn và bố bạn chỉ có nghĩa vụ dùng di sản của mẹ bạn để lại để trả tiền vay cho Ngân hàng. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hạn để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ của người chết là 03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.

 

Nếu khoản vay trên là nghĩa vụ chung của bố mẹ (do bố mẹ cùng xác lập và thực hiện hoặc mẹ vay nhưng sử dụng cho nhu cầu của gia đình) thì bố bạn cũng có nghĩa vụ liên đới trả nợ. Nếu hiện tại gia đình bạn có hoàn cảnh khó khăn thì bố bạncó thể thỏa thuận với phía ngân hàng để gia hạn khoản nợ. Trường hợp đã có bản án thể hiện bố bạn có nghĩa vụ trả nợ và đã có yêu cầu thi hành ánmà nếu bố bạn không có tài sản để trả nợ hoặc có nhưng việc kê biên làm ảnh hưởng đến đời sống của gia đình thì bố bạn có thể làm đơn yêu cầu tạm hoãn thi hành án hoặc khấu trừ dần vào thu nhập hàng tháng để trả nợ cho ngân hàng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn vay tín chấp. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn hợp đồng vay tiền trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV Bùi Thúy Ngần - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo