Phương Thúy

Tư vấn trường hợp vay nợ không có giấy tờ

Tháng 1/2015 Bố cháu mất. Đến nay gia đình cháu chuẩn bị nhận tiền trợ cấp tuất một lần của Bố cháu ạ. Nhưng hôm qua, ngày 01/09/2015 Bác cháu (anh trai của Bố) có qua nhà cháu nói với Mẹ cháu là ngày trước Bố cháu có mượn của Bác ấy 100 triệu đồng nhưng không ghi giấy nợ hay bất kỳ giấy tờ gì ạ. Với trường hợp như này, cháu thực sự không biết phải giải quyết như thế nào ạ. Gia đình cháu có phải trả khoản nợ đó không ạ? Và quy định thế nào ạ?


Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn công ty chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, việc vay tài sản giữa bố bạn và bác của bạn không được thành lập thành văn bản, và cũng không có giấy tờ liên quan nào chứng minh việc bố bạn đã vay bác trai bạn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, pháp luật quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa hai người, không quy định hợp đồng vay tài sản phải được lập thành văn bản. Căn cứ theo Điều 471 Bộ luật dân sự 2005

Điều 471. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Căn cứ theo Điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2013 quy định: Các đương sự có quyền cung cấp chứng cứ chứng mình:

Điều 6. Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự

1. Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.

2. Tòa án chỉ tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định
.”

Khi khởi kiện ra tòa, bạn có thể yêu cầu bác bạn đưa ra chứng cứ để chứng minh, và yêu cầu giám định để xác minh chứng cứ mà bác bạn đưa ra là xác thực và có căn cứ để dựa vào đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.

Chứng cứ được quy định như sau tại Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung 2013:

“Điều 82. Nguồn chứng cứ

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

1. Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được;

2. Các vật chứng;

3. Lời khai của đương sự;

4. Lời khai của người làm chứng;

5. Kết luận giám định;

6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;

7. Tập quán;

8. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;

9. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Điều 83. Xác định chứng cứ

1. Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

5. Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

Như vậy, nếu bác bạn khởi kiện ra Tòa, và có chứng cứ chứng minh việc vay tiền của bố bạn thì gia đình bạn phải có trách nhiệm trả nợ số tiền đó cho bác của bạn. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn trường hợp vay nợ không có giấy tờ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Chuyên viên Hoàng Phương Thảo - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo