LS Hồng Nhung

Tư vấn trường hợp thực hiện nghĩa vụ riêng về tài sản cho chồng đã chết.

Ba em không để lại bất cứ tài sản thừa kế nào cho mẹ con em vậy mẹ con em có trách nhiệm phải trả khoản nợ đó hay không? Trong hợp đồng vay tín dụng rất có thể không có chữ kí của mẹ em ( vì em chưa được thấy bản hợp đồng nên không biết ba có giả chữ kí hay không) vậy thì mẹ em có cần chịu trách nhiệm trả hay không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Chào luật sư. Em có một vấn đề mong được luật sư tư vấn. Ba em có mượn một số tiền của quỹ tín dụng phường nơi cư trú mà mẹ em không biết. Sau khi ba mất khoảng 1 tháng, hội trưởng của quỹ tín dụng đó mới báo cho mẹ em biết chuyện. Hiện nay đã đáo hạn khoản vay và ngân hàng quỹ tín dụng bắt hoàn nợ. Em có một số điều thắc mắc như sau:

Ba em không để lại bất cứ tài sản thừa kế nào cho mẹ con em vậy mẹ con em có trách nhiệm phải trả khoản nợ đó hay không?

Trong hợp đồng vay tín dụng rất có thể không có chữ kí của mẹ em ( vì em chưa được thấy bản hợp đồng nên không biết ba có giả chữ kí hay không) vậy thì mẹ em có cần chịu trách nhiệm trả hay không?

Em xin cảm ơn luật sư rất nhiều.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

 

“Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

 

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

 

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

...............”

 

Vậy, theo điều luật trên đây nếu hợp đồng vay tín dụng do bố mẹ bạn cùng thỏa thuận xác lập hoặc việc vay tín dụng của bố bạn nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình thì mẹ bạn sẽ phải chịu trách nhiệm với khoản nợ này. Mà Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng như sau:

 

“Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

..................

3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

..............”

 

Trường hợp này, nếu bố bạn xác lập hợp đồng vay tín dụng không vì phục vụ nhu cầu của gia đình mà vì các mục đích khác như vay để tặng cho người khác hay cho người khác vay khoản tiền đó..., thì bố bạn có nghĩa vụ riêng về tài sản và mẹ bạn không phải liên đới thực hiên nghĩa vụ trả nợ.

 

Còn nếu bố bạn vay khoản tín dụng đó phục vụ mục đích, nhu cầu của gia đình như dùng để chi tiêu hằng ngày, cung cấp con cái ăn học... thì mặc dù mẹ bạn không biết bố bạn vay tín dụng, cũng không hề ký vào hợp đồng vay tín dụng, mẹ bạn vẫn phải có trách nhiệm liên đới trả nợ như Điều 37 đã nêu trên.

 

Do vậy, khi bố bạn chết, xác định mẹ bạn có phải trả nợ thay hay không sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào mục đích sử dụng khoản nợ đó.

 

Trường hợp này sẽ xác định di sản thừa kế của bố bạn như sau:

 

Nếu có các tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản đó sẽ được đưa ra chia đôi: 1 phần thuộc sở hữu của mẹ bạn và một phần sẽ là di sản thừa kế (nếu bố bạn có các tài sản riêng theo Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì các tài sản đó cũng sẽ là di sản thừa kế).

 

Và Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về những người phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tại Điều 615 như sau:

 

“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

 

3.Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”

 

Theo quy định nêu trên, khi người vay tiền đã chết thì nghĩa vụ trả nợ sẽ do những người thừa kế của người này thực hiện, bao gồm: người thừa kế theo di chúc (nếu bố bạn để lại di chúc); người thừa kế theo pháp luật. Mà theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, Người thừa kế theo pháp luật sẽ bao gồm:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

......................

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

...............”

 

Vậy, theo điều luật này, bạn và mẹ bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn và những người thừa kế sẽ phải có nghĩa vụ trả nợ. Nếu khoản nợ tín dụng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình thì bạn và mẹ bạn sẽ phải sử dụng di sản thừa kế để trả khoản nợ đó; trường hợp di sản thừa kế không đủ trả thì mẹ bạn sẽ phải có nghĩa vụ trả phần còn lại của khoản nợ đó. Nếu khoản nợ tín dụng nhằm mục đích riêng của bố bạn thì bạn và mẹ bạn chỉ phải chịu trách nhiệm đối với khoản nợ trong phạm vi tài sản được hưởng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hồng Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo