Luật sư Việt Dũng

Tư vấn trường hợp tai nạn giao thông nhưng bên bị hại có lỗi

Luật sư tư vấn miễn phí qua Email về trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây tai nạn nhưng có lỗi của bị hại thì xử lý thế nào và bồi thường quy định thế nào? Nội dung hỏi và trả lời như sau:

 

Nội dung đề nghị tư vấn: Bạn tôi điều khiển xe ô tô đi đúng làn đường dành cho xe cơ giới, khí thở không có nồng độ cồn, xe đang chạy tốc tộ 50-60Km/h trên đoạn đường cho phép, cách khoảng 5m bất chợt anh D lao từ trong phần đường dành cho người đi bộ sang phần đường dành cho xe cơ giới, khiến cho bạn tôi xử lý không kịp anh A đã va vào góc phải của đầu xe bắn ra đầu đập vào toa đường dẫn đến tử vong. Trong trường hợp này bạn tôi phải chịu những mức bồi thường nào, và bản thân anh A có phải bồi thường xe của tôi bị hỏng do va chạm không? Tôi xin trân trọng cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Luật Minh Gia cảm ơn câu hỏi và đề nghị tư vấn của bạn. Sau đây là tư vấn của chúng tôi về trường hợp của bạn như sau:

 

Theo những gì bạn cung cấp thì ở đây lỗi hoàn toàn thuộc về bên bị thiệt hại là anh D.


 
Về vấn đề bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi:

 

Khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

 

“2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

 

Khoản 4 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

 

“4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.”.

 

Mục 1 Phần I của Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định rõ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:

 

“1.1. Phải có thiệt hại xảy ra.

 

Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.

 

a) Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 608 BLDS; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 609 BLDS; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 610 BLDS; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 611 BLDS.

 

b) Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mấy uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm.. và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.

 

Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu.

 

1.2. Phải có hành vi trái pháp luật.

 

Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật.

 

1.3. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

 

1.4. Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

 

a) Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

 

b) Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

 

Cần chú ý là đối với trường hợp pháp luật có quy định việc bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, thì trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.

 

Với trường hợp mà bạn nêu thì không đủ 4 yếu tố phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (bạn của bạn không có lỗi), do vậy bạn của bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người kia.

 

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại. Bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại toàn bộ và kịp thời theo quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự. Bạn của bạn và bên phía gia đình người có lỗi có thể thỏa thuận mức bồi thường, hình thức bồi thường và thời gian bồi thường.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn trường hợp tai nạn giao thông nhưng bên bị hại có lỗi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV: Hà Bích - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo