Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn trường hợp khai sinh cho con khi bố mẹ có tranh chấp về vấn đề họ cho con

Luật sư tư vấn trường hợp đăng ký khai sinh cho con khi bố mẹ có tranh chấp về vấn đề họ cho con. Nội dung tư vấn như sau:

1. Luật sư tư vấn về vấn đề hôn nhân gia đình và các vấn đề hộ tịch 

Thông qua quá trình hỗ trợ khách hàng tư vấn pháp luật, Công ty Luật Minh Gia nhận thấy trên thực tế có rất nhiều khách hàng gặp vướng mắc và cần tư vấn liên quan đến vấn đề về hôn nhân và hộ tịch. Hiện tại Công ty Luật Minh Gia có bộ phận luật sư, chuyên viên tư vấn pháp luật hỗ trợ khách hàng tư vấn cụ thể về các vấn đề hôn nhân, hộ tịch cụ thể như:

      -  Vấn đề đăng ký kết hôn; ly hôn;

      -  Vấn đề đăng ký khai sinh cho con (thẩm quyền, hồ sơ, thời gian đăng ký…);

      -  Vấn đề tranh chấp liên quan đến đăng ký khai sinh cho con (tranh chấp về họ cho con; tranh chấp về xác định quan hệ cha, mẹ con…).

Trong trường hợp khách hàng gặp vướng mắc về các vấn đề hôn nhân, hộ tịch hoặc không hiểu rõ các quy định của pháp luật về các vấn đề này thì có thể trực tiếp liên hệ với Công ty Luật Minh Gia theo các hình thức như gửi nội dung cần tư vấn qua Email hoặc đơn giản hơn là liên hệ tới số 1900.6169  để nhận được sự hỗ trợ tư vấn pháp luật kịp thời.

Ngoài ra, khách hàng có thể tham khảo nội dung tình huống thực tế Công ty Luật Minh Gia tư vấn dưới đây để có thêm kiến thức về vấn đề này.

2. Giải quyết trường hợp có tranh chấp khi đăng ký khai sinh cho con

Nội dung câu hỏi: Chào văn phòng Luật sư. Tôi có câu hỏi nhờ Luật sự giải đáp. Tôi có con cùng một người phụ nữ, hiện tại bé vừa được 1 tháng tuổi, tôi muốn làm thủ tục khai sinh cho bé mang họ cha, tuy nhiên người mẹ lại không đồng ý cho con mang họ cha và muốn đặt tên con theo họ mẹ, trong quá trình mang thai và thai sản tôi luôn có trách nhiệm và ở bên chăm sóc, thừa nhận trách nhiệm với cháu bé cho đến thời điểm hiện tại. Vậy Luật sư cho tôi hỏi có cách nào tôi có thể đăng kí khai sinh cho con mang họ cha được không? Trường hợp xảy ra tranh chấp, tôi cần làm những thủ tục gì để nhận bé và đặt tên bé mang họ cha. Tôi xin cảm ơn, mong sớm phản hồi từ Luật sư.

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của anh chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ… Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình”.

Và Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Xác định cha, mẹ:

“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”.

Theo đó, họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ, nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán.

Tuy nhiên, do thông tin anh cung cấp không thể hiện rõ anh và mẹ của cháu bé có đăng ký kết hôn không do đó chúng tôi đưa ra hai trường hợp tư vấn sau:

Trường hợp 1: Hai anh chị có đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật.

Tại Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định Đăng ký kết hôn:

1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.

Nếu như hai anh chị có đủ điều kiện đăng ký kết hôn và đã làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được coi là quan hệ hôn nhân hợp pháp.

Lúc này, khi con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân được coi là con chung của hai vợ chồng. Việc đặt họ của con sẽ được xác định là họ của cha hoặc của mẹ theo thỏa thuận của cha mẹ. Trong trường hợp này anh có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ghi nhận thông tin người cha trên Giấy khai sinh kể cả trong trường hợp người mẹ không đồng ý.

Trường hợp 2: Hai anh chị không làm thủ tục đăng ký kết hôn và có tranh chấp quan hệ cha con.

Trong trường hợp hai anh chị không đăng ký kết hôn, con được sinh ra là con ngoài giã thú. Lúc này thủ tục đăng ký khai sinh cho con được thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

“2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này”.

Theo đó, khi con sinh ra chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ, phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

Trong trường hợp nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con, người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con và được sự đồng ý của người mẹ, không có tranh chấp, Ủy ban nhân dân xã sẽ ghi cả tên cha, mẹ vào sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ.

Hồ sơ yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con được quy định tại Điều 12 Thông tư 15/2015/TT-BTP như sau:

“Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:

1. Hồ sơ gồm:

a) Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật hộ tịch;

c) Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này”.

Còn trong trường hợp việc xác định cha, con có tranh chấp, tức người mẹ không đồng ý cho anh nhận con thì anh có thể làm đơn Khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu xác định quan hệ cha con.

Hồ sơ yêu cầu Tòa án xác định quan hệ cha con:

- Đơn khởi kiện;

- Bản sao có công chứng hoặc chứng thực Chứng minh nhân dân của bạn;

- Bản sao có công chứng hoặc chứng thực sổ hộ khẩu;

- Văn bản, giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha, con: kết quả giám định AND, thư từ, tài liệu, phim ảnh, người làm chứng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Minh Gia với trường hợp của anh. Nếu còn vướng mắc về nội dung tư vấn anh có thể liên hệ lại với công ty để chúng tôi hỗ trợ tư vấn thêm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo