Vũ Thanh Thủy

Tư vấn tranh chấp về di sản dùng để thờ cúng do ông bà để lại

Bài viết tư vấn về vấn đề tranh chấp về di chúc miệng của ông bà đối với phần di sản dùng để thờ cúng. Nội dung câu hỏi:

 

Chào luật sư, hôm nay tôi xin luật sư tư vấn giúp em câu hỏi như sau: ông bà nội tôi có 9 người con 6 trai và 3 gái, ông bà nội tôi lúc còn sống đã  lập gia đình cho các bác tôi và chia cho 6 người bác nam mỗi người 4 công đất (chưa chia cho 3 cô nữ) cha tôi là con út của ông nội tôi, cha mẹ tôi sống chung với ông bà và nuôi ông bà đến khi mất và hiện đang thờ cúng ông bà hơn 20 năm rồi, lúc ông bà chết còn lại 20 công đất không để lại di chúc nhưng ông bà tôi có nói là để lại phần đó cho cha tôi canh tác và thờ hương quả, năm 2002 các cô và bác tôi có làm giấy ủy quyền cho ba tôi hết phần đất đó và có công chứng nhưng bây giờ bác bác tôi đòi thờ ông bà nội và yêu cấu chia đất đều ra 1 lần nữa.....mong luật sư tư vấn giúp tôi là giấy ủy quyền ấy bây giờ còn hiệu lực không và các bác tôi có quyền chia đất đó không, mạnh đất đó cha mẹ tôi đã canh tác cách đây hơn 30 năm mà không có di chúc vậy quyền sỡ hữu bây giờ ra sau có thuộc về cha mẹ tôi hết không! cảm ơn luật sư và mong luật sư tư vấn sớm!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề di chúc

 

Theo như bạn trình bày thì ông bà bạn chết có để lại 20 công đất và có nói để lại phần đất đó cho bố bạn dùng vào việc thờ cúng. Vậy trường hợp này có được coi là để lại di chúc bằng miệng không?

 

Căn cứ Điều 654 Bộ Luật dân sự 1995 quy định:

 

1- Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe doạ do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản, thì có thể di chúc miệng. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

 

2- Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt, thì di chúc miệng bị huỷ bỏ.

 

Như vậy di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp khi bố mẹ bạn phải rơi vào trường hợp bị cái chết đe dọa hoặc vì lý do khác không thể lập bằng văn bản và ý chí cuối cùng của bố mẹ bạn để lại số tài sản trên khi có ít nhất 2 người làm chứng.

 

Nếu trường hợp của ông bà bạn để lại di chúc miệng định đoạt 20 công đất trên đáp ứng được các điều kiện trên thì di chúc này sẽ có giá trị pháp lý.

 

Điều 673. Di sản dùng vào việc thờ cúng

 

1- Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng, thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế, thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

 

Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng, thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.

 

Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết, thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

 

2- Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó, thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

 

Như vậy nếu di chúc miệng trên đã có hiệu lực pháp lý thì theo quy định của pháp luật thì các thành viên trong gia đình cần phải tôn trọng ý chí của ông bàbạn quản lý và thờ cúng  trên  20 công đất này.

 

Thứ hai, về hợp đồng ủy quyền

 

Nếu trong trường hợp di chúc miệng của ông bà bạn để lại không có giá trị pháp lý thì 20 công đất này sẽ được chia cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của pháp luật BLDS 2015, cụ thể:

 

Điều 679. Người thừa kế theo pháp luật

 

"1- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

..."

Như vậy, thì mảnh đất trên sẽ được chia cho cả 9 người con của ông bà bạn. Ngoài ra theo như thông tin bạn cung cấp thì tất cả các thành viên thuộc hàng thừa kế thứ nhất đều đồng ý ủy quyền cho bố bạn nhưng bạn không trình bày rõ ủy quyền về vấn đề gì? Quản lý hay cho bố bạn toàn quyền định đoạt bạn cần phải làm rõ. Nếu hợp đồng ủy quyền trên có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong gia đình, đồng thời đã được công chứng thì hợp đồng này đã có hiệu lực pháp lý nên việc bác bạn bây giờ đổi ý muốn chia lại mảnh đất trên là không có căn cứ.

 

Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

 

Nếu bố bạn có những giấy tờ quy định tại điều 100 Luật Đất Đai 2013 thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Điều 100. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất

 

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

 

a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

 

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

 

c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;

 

d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

 

đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

 

e) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;

 

g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo