Vũ Thanh Thủy

Tư vấn tranh chấp lối đi chung thuộc quản lý của Nhà nước

Xin hỏi Luật sư: gia đình tôi có mảnh đất ở nằm vào cuối ngõ ( ngõ cụt ) nhà tôi là cuối cùng của ngõ, từ những năm 1965 cha mẹ tôi đã đi con đường này và cho đến nay đã được nhà nước quan tâm nâng cấp đổ bê tông sạch sẽ đi lại thuận tiện.

 

Nhưng hiện nay  kinh tế phát triển nên nhu cầu đường giao thông cần được mở rộng thì các nhà liền kề phía ngoài họ không mở thì gia đình tôi đã xin được đổi đất cho gia đình bên cạnh nhưng ở hướng khác ( có nghĩa nhà tôi mở đường khác để đi cho thuận tiện hơn) khi mở xong đường thì nhà tôi đã xây ngăn đường cũ vào nhà lại cho đường vào nhà đó là cổng đi phụ và tôi có làm thêm cánh cổng sắt nhỏ để  gia đình đi lại với nhà hàng xóm bên cạnh ( đường chỉ đi bộ mà thôi ) .Tuy nhiên  gần đây thì nhà liền kề có yêu cầu gia đình tôi phải tháo dỡ cổng rào đường lại vào yêu cầu gia đình tôi bịt hẳn và họ cho rằng đó là đất của nhà nước có đường khác đi rồi thì bịt lại. tôi muốn hởi luật sư để được tư vấn thêm và cũng xin làm rõ mấy vấn đề sau:1. Đoạn đường vào cổng nhà tôi tính từ nhà liền kề vào không có nhà nào nữa.( chỉ duy nhất là nhà tôi)2. Khi tôi xây bờ rào làm cổng phụ vào nhà, tôi vẫn cho bờ rào đi qua cổng chính của nhà liền kề là hơn 01 m ( dài) đi vào phía nhà của tôi 3. Tôi xây cổng phụ nằm ở ngoài đất, ngoài tường rào của nhà liền kề4.Cả nhà tôi và nhà liền kề đều đã được cấp quyền sử dụng đấtVậy xin hỏi Luật sư là:1. Gia đình tôi có được quyền sử dụng phần đường cũ vào nhà tôi nữa hay không.( nhà liền kề cho đó là đất của nhà nước, có đường khác đi rồi thì phải bịt lại)2.Nhà liền kề muốn yêu cầu nhà tôi bịt hẳn đường để nhà liền kề lấy hẳn đường đi cũ của nhà tôi đi qua trước nhà họ ( nhà liền kề ) để mở rộng phía trước ( tức mở sân, cổng của họ ra cho rộng thoáng hơn). Kính mong được sự tư vấn phúc đáp của Luật sư. Xin chân thành cảm ơn ./.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Về việc sử dụng đường cũ:

 

Tại Điều 254 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:

 

Điều 254. Quyền về lối đi qua

 

1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

                                                        

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

 

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

 

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.

 

Quy định này áp dụng đối với trường hợp gia đình bạn bị bao bọc không có bất cứ lối đi nào để đi ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu vây bọc mở cho mình một lối đi thuận tiện cho việc đi lại.

 

Tuy nhiên, đối với trường hợp này lối đi chung do cơ quan nhà nước mở ra cho các hộ gia đình trong ngõ sử dụng, thuộc sự quản lý của cơ quan nhà nước và không được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bạn và người hàng xóm . Do đó, gia đình bạn vẫn có quyền sử dụng con đường cũ này không phụ thuộc vào việc gia đình bạn có đường khác để đi hay không.

 

Ngoài ra, người hàng xóm yêu cầu bạn phải bịt lại đường này để họ mở rộng sân vườn là hoàn toàn không có căn cứ bởi vì phần lối đi này thuộc quyền quản lý của nhà nước, việc họ xây dựng lấn sang phần đất này là trái với quy định của pháp luật, cụ thể vi phạm theo khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013:

 

Điều 12: Những hành vi bị nghiêm cấm

 

1, Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo