Hoàng Tuấn Anh

Tư vấn thừa kế và truất quyền thừa kế

Luật sư tư vấn về hai vấn đề quyền thừa kế và truất quyền thừa kế? Sau khi xuất cảnh có cần xin visa nhập cảnh và xin tạm trú không?

 

Kính chào luật sư,Tôi xin được tư vấn 2 sự việc sau: 1.Sự việc thứ nhất: Về vấn đề phân chia tài sản - Gia đình tôi hiện giờ có 6 thành viên: ba , mẹ , tôi + chồng  , em trai + vợ - Tài sản trên giấy tờ đứng tên của:+ Mẹ và em trai cùng đứng tên thửa đất + Em trai đứng tên ngôi nhà 3 tầng đang ở quận A + Tôi đứng tên căn nhà đang ở quận B . - Hoàn cảnh gia đình: Ba là người không chung thủy có nhiều mối quan hệ ngoài hôn nhân, cũng không rõ có con rơi hay không. Mẹ già yếu bệnh viêm khớp gối, viêm dạ dày, đã từng bị viêm dây thần kinh tọa may là chữa khỏi, nhưng sức khỏe yếu lắm. Em trai có công việc ổn định lương cao. Em dâu là người tham lam, lười biếng và (không quan tâm = vô tâm) không chăm sóc ba mẹ và em trai tôi.  Sự việc như sau, trong gia đình này tôi thương mẹ và em trai nhất, tôi sắp xuất cảnh theo chồng, nên căn nhà tôi đang đứng tên định chuyển sang tên mẹ, nhưng lại sợ em dâu dòm ngó tài sản gây bất lợi cho mẹ tôi, vì tôi không thể ở bên cạnh chăm sóc. Ở đây điều tôi quan tâm và thắc mắc là:a) Đối với 3 bất động sản kể trên, trong trường hợp mẹ tôi gặp chuyện thì em dâu tôi và ba tôi được thừa hưởng những gì?b) Mẹ tôi có thể mở di chúc là không cho em dâu và ba tôi quyền thừa kế tài sản của bà không?c) Căn nhà tôi đang đứng tên là tài sản riêng của tôi đã mua 1 năm trước khi lấy chồng, vậy chồng tôi có quyền gì đối với tài sản của tôi không?d) Trường hợp tôi xuất cảnh di cư thì tôi có được quyền có tài sản ở Việt Nam nữa không? Khi tôi quay về Việt Nam thăm gia đình tôi có cần xin visa nhập cảnh không? Tôi có cần đăng ký tạm trú tại căn nhà mà tôi đứng tên không?

 2.Sự việc thứ hai: Về vấn đề thừa kế - Bối cảnh gia đình của mẹ tôi: + Ông ngoại  mất năm 1984)+ Bà ngoại không có con ruột+ Em trai bà ngoại có 3 người con trai và con dâu và các cháu+ Mẹ tôi là con nuôi của bà ngoại nhưng lại là con ruột của ông ngoại lăng nhăng bên ngoài. - Di sản của bà ngoại: 1 căn nhà ở mặt tiền đường quận C do 1 mình bà đứng tên.- Di sản của ông ngoại: 1 căn nhà ở quận D do ông đứng tên. Sự việc như sau: bà ngoại, ông ngoại và mẹ tôi lúc trẻ sống chung với gia đình của em trai bà ngoại tại căn nhà quận C, bà làm vách ngăn chia căn nhà làm 2 và mỗi hộ ở 1 bên (bà ngoại, ông ngoại và mẹ tôi 1 bên, gia đình em trai bà ngoại 1 bên). Sau này ông ngoại mua được nhà ở quận D nên cả nhà dọn ra quận D ở, để trống 1 bên căn nhà quận C, nhưng vì gia đình em trai bà ngoại tăng dân số, không đủ chổ ở nên xin bà ngoại cho dỡ bỏ vách ngăn ở luôn 2 bên. Bà ngoại đồng ý. Năm 1979 mẹ tôi lấy chồng và theo ba tôi về sống với gia đình bên nội ở quận 8. Năm 1984 ông ngoại qua đời, đồng thời gia đình bên nội toàn bộ xuất cảnh di cư hết không còn ai nên mẹ tôi mới kêu bà ngoại về sống chung, thế là bà bán căn nhà ở quận 10 dọn đến quận 8 ở từ năm 1986, số tiền vàng bán nhà bị gia đình em trai bà ngoại mượn hết để làm ăn nhưng không hề trả cho bà. Năm 1996 bà ngoại đau khớp gối, không có tiền phẫu thuật, xin tiền hỗ trợ từ quỹ của phường, sau phẫu thuật bà ngoại bị nằm liệt giường và hôn mê, lúc bấy giờ gia đình tôi rất nghèo, chúng tôi còn nhỏ, mẹ tôi không xoay sở chăm sóc được cho bà ngoại nên nhờ gia đình em trai bà ngoại chăm sóc giùm nhưng được nữa năm thì bà ngoại qua đời. Sau khi ba mẹ tôi lo đám tang xong thì gia đình em trai bà ngoại xin mẹ tôi lấy giấy tờ nhà quận 3 với lý do nhà nước phóng đường cần làm lại gì đó. Lúc đó chúng tôi còn nhỏ, ba mẹ lại không biết gì về mấy thứ giấy tờ thủ tục gì hết, nên đưa hết cho gia đình em trai bà ngoại. Thắc mắc của tôi ở đây là mẹ tôi có được thừa hưởng gì từ căn nhà ở quận C không? Tình hình bây giờ thì mẹ tôi có còn cơ hội lấy lại căn nhà đó không? Xin chân thành cám ơn quý luật sư và mong nhận được hồi âm sớm từ quý vị! 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi đến công ty Minh Gia, sau đây chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Về vấn đề thứ nhất: Trước hết, ngôi nhà mà em trai bạn đang đứng tên và ngôi nhà của bạn là thuộc quyền sở hữu của em trai bạn và của bạn do đó nếu mẹ bạn có vấn đề gì xảy ra cũng không ảnh hưởng đến quyền sở hữu ngôi nhà của em trai bạn và của bạn. Còn về ngôi nhà mà mẹ và em trai bạn cùng đứng tên sẽ có những vấn đề phát sinh trong thừa kế là: do thửa đất đồng sở hữu của mẹ và em trai bạn nên giá trị đất được chia đôi em trai bạn một nửa và mẹ bạn một nửa. Phần chia thừa kế là ½ giá trị thửa đất đó mà mẹ bạn được hường và được chia thành 3 phần bằng nhau cho bố bạn, bạn và em trai của bạn mỗi người 1 phần.

 

Thứ hai, Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” do đó, mẹ bạn có thể truất quyền hưởng thừa kế của em dâu bạn thông qua di chúc vì di chúc tôn trọng quyền tự quyết định tài sản của cá nhân. Tuy nhiên, theo Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 :“ Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;  Con thành niên mà không có khả năng lao động.” Do bố bạn thuộc vào trường hợp này nên dù mẹ bạn di chúc không để lại tài sản cho bố bạn thì đến khi đó pháp luật vẫn sẽ để bố bạn hưởng 2/3 một suất thừa kế.

 

Thứ ba, về căn nhà của bạn thì theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.do đó là tài sản hình thành trước hôn nhân nên nếu sau khi kết hôn bạn không sáp nhập nó vào tài sản chung của vợ chồng thì nó là tài sản của riêng bạn và chồng bạn không có quyền gì đối với căn nhà đó.” Do ngôi nhà là tài sản riêng của bạn từ 1 năm trước khi kết hôn nên nếu bạn và chồng không có thỏa thuận, và thỏa thuận không được lập thành văn bản thì đây không thuộc tài sản chung của vợ chồng và chồng bạn sẽ không có quyền gì với ngôi nhà này.

 

Thứ tư, theo Điều 186 Luật Đất đai 2013 và Điều 10 Luật Nhà ở 2014 thì nếu bạn ra nước ngoài định cư thì nhà đất của bạn vẫn thuộc quyền sở hữu của bạn như bình thường. Theo Điều 8 luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 thì khi về thăm người thân bạn vẫn phải xin visa nhập cảnh. Và cũng theo Điều 32, 33 của luật này thì bạn sẽ phải khai báo tạm trú tại Việt Nam.

 

Về vấn đề thứ hai: Theo Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 thì “1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;”

 

Do vậy mẹ bạn là con nuôi của bà ngoại thì vẫn có quyền hưởng thừa kế theo pháp luật và do em trai bà ngoại bạn chỉ ở hàng thừa kế thứ hai nên sẽ không được hưởng thừa kế khi mà mẹ bạn vẫn còn sống. Mẹ bạn hoàn toàn có thể lấy lại ngôi nhà đó vì đây là tài sản thừa kế mà mẹ bạn được nhận từ bà ngoại bạn, em trai bà ngoại của bạn không có quyền gì với căn nhà đó. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Trần Thanh Hương - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo