Luật gia Nguyễn Nhung

Tư vấn thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật

Chú em đã mất, chú có vợ đã ly hôn và 2 người con đang sống tại nước ngoài..Từ khi chú mất, bố em vẫn là người trông nom và thờ cúng chú. Bố em cũng muốn con trai chú về để giao lại nhà cửa của chú lại cho cháu.Gia đình em muốn giao lại tài sản thừa kế cho con chú phải có những điều kiện bắt buộc gì? Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính gửi luật sư em có 1 việc muốn hỏi luật sư như sau.Chú em đã mất, Chú có vợ đã ly hôn và 2 người con đang sống tại nước ngoài..Từ khi chú mất, bố em vẫn là người trông nom và thờ cúng chú. Bố em cũng muốn con trai chú về để giao lại nhà cửa của chú lại cho  cháu. Giờ đã 3 năm con của chú không ai điện về hoặc về quê hỏi han đến vấn đề nhà cửa hay tài sản của chú cả. Chú cũng không có di chúc để lại. Bỗng tháng 10 vừa rồi bố em nhận được thư của con trai chú,trong thư không hỏi thăm bác hay nói thêm vấn đề gì mà chỉ có 2 văn bản, 1 bản của con trai và con gái chú đề nghị UBND xã ( nơi chú sinh sống) xin nhận thừa kế , 1 bản chứng thực của phó chủ tịch xã về quyền thừa kế của hai con chú.Mặc dù hai con của chú không về Việt nam, không ủy quyền cho ai  nhận thừa kế mà văn bản chứng thực có nội dung xác nhận hai con chú có đủ năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định..Quan điểm của bố em là nếu con của chú về nhận tài sản thì bố em sẽ giao lại giấy tờ và chìa khóa, nhưng đây không biết có phải là con chú làm những giấy tờ kia không. Thủ tục làm như vậy có đúng không? Gia đình em muốn giao lại tài sản thừa kế cho con chú phải có những điều kiện bắt buộc gì? Vậy kính mong luật sư tư vấn cho em ạ.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, tài liệu gia đình bạn nhận được có 1 bản chứng thực của phó chủ tịch xã về quyền thừa kế. Đây có thể là bản sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã về việc người con này là người thừa kế theo pháp luật, không thuộc trường hợp không được hưởng di sản.

 

Chú bạn không để lại di chúc nên di sản được chia cho người thừa kế theo pháp luật, được xác định theo Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

 

Thủ tục để những người thừa kế nhận di sản được thực hiện như sau:

 

- Nếu những người thừa kế không thỏa thuận phân chia di sản thì cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế để trở thành đồng chủ sở hữu tài sản. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế được quy định tại Điều 58 Luật công chứng 2014.

 

Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:

 

+ Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;

 

+ Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu, Giấy khai sinh của những người khai nhận di sản thừa kế;

 

+ Một bản Sơ yếu lý lịch của một trong những người khai nhận di sản thừa kế (đã có xác nhận của UBND phường, xã hoặc cơ quan có thẩm quyền);

 

 + Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;

 

+ Giấy tờ về di sản thừa kế như: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản.

 

Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế.

 

- Trường hợp người thừa kế đã có sự thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế thì làm thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận đó tại văn phòng công chứng. Thủ tục công chứng được quy định tại Điều 57 Luật Công chứng 2014 như sau:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

 

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

 

2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

 

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

 

3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

 

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

 

4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.”

 

Với những quy định của pháp luật về thủ tục khi nhận di sản thừa kế như trên, gia đình bạn có thể yên tâm về việc di sản sẽ được chuyển sang cho đúng người thừa kế. Sau khi thực hiện những thủ tục trên, bố bạn có thể giao di sản cho người thừa kế, những người này có thể làm thủ tục xác lập quyền sở hữu với di sản này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm:Thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Diệu Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo