LS Hồng Nhung

Tư vấn quy định về rút vốn kinh doanh

Chào anh chị! Vào tháng 2 năm 2016, em và 1 bạn có tính hợp tác kinh doanh lĩnh vưc điện thoại xách tay. Em có giao cho bạn ấy 130 triệu (có giấy giao nhận viết tay dạng đơn giản, kí tên hai bên). sau mấy tháng làm cùng nhau, em chỉ đóng vai trò như nhân viên bán hàng, việc nhập hàng về không có hóa đơn chứng từ, em cũng tình cờ đọc được tin nhắn của bạn này với anh trai về việc kênh tiền đầu vào máy móc.

 

Sau 4 tháng làm ăn thì em yêu cầu rút vốn vì việc gia đình. Mặc dù không có bất kì hợp đồng hợp tác làm ăn nào nhưng em vẫn đồng ý chia thiệt hai. trong quá trình chia thì phát sinh rất nhiều, và bên kia cũng dây dưa chuyện trả tiền. Em muốn khởi kiện dân sự bên kia để lấy lại số tiền ban đầu em đã giao cho họ thì thủ tục như thế nào ạ? Ngoài giấy giao nhận, em có bản ghi âm xác nhận số tiền mà họ đang cầm của em là 130 triệu, mong anh chị đoàn luật sư Minh gia tư vấn giúp em trong thời gian sớm nhất. em cảm ơn.

 

>> Tư vấn pháp luật về hợp tác kinh doanh, gọi: 19006169

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo thông tin bạn cung cấp, bạn có giao cho bạn mình 130 triệu và có viết giấy xác nhận góp 130 triệu này để cùng kinh doanh. Tuy văn bản này không có các nội dung đầy đủ của một hợp đồng góp vốn nhưng có xác định là các bên có giao nhận một khoản tiền với mục đích cùng nhau kinh doanh. Mặt khác, pháp luật không quy định hợp đồng góp vốn kinh doanh giữa cá nhân phải được công chứng, chứng thực. Do đó, giấy xác nhận góp tiền cùng kinh doanh vẫn có giá trị pháp lý như là hợp đồng góp vốn.

 

Vì hai bạn không có thỏa thuận về phân chia lợi nhuận hay quyền quản lý nên theo quy định tại Điều 217 Bộ luật dân sự 2015:

 

"Điều 217. Sử dụng tài sản chung

 

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

 

2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

 

Và theo quy định tại Điều 209 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“1. Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.

 

2. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

 

Theo quy định trên, trong trường hợp này, bạn có quyền đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, do đó, bạn hoàn toàn có quyền rút số vốn đã góp vào việc kinh doanh. Tuy nhiên, số tài sản bạn đã góp có thể không còn là 130 triệu như ban đầu mà có thể bị thay đổi phụ thuộc vào lợi nhuận hoặc thiệt hại từ việc kinh doanh của hai bạn.

 

Trong trường hợp bạn có yêu cầu rút vốn góp và đã thương lượng với người bạn của mình nhưng người đó không đồng ý thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu đòi lại tài sản. Kèm theo đơn yêu cầu, bạn phải cung cấp được các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, ví dụ như giấy giao nhận tiền giữa hai bạn, bản ghi âm xác nhận số tiền mà người đó đang cầm của bạn...

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về việc rút vốn kinh doanh và thanh toán giá trị. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Cv. Dương Thị Nhung - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo