Nguyễn Thu Trang

Tư vấn người vay có hành vi trốn tránh nghĩa vụ trả nợ?

Tư vấn về hợp đồng cho vay có giấy tờ , sau đó người vay có hành vi không nghe điện thoại nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng, cụ thể nội dung hỏi và trả lời tư vấn như sau:

 

Câu hỏi tư vấn: Em có cho bạn mượn 1 khoản tiền để làm giấy tờ đất và người bạn này có thỏa thuận là sau khi bán được đất sẽ trả lại đầy đủ. Em đồng ý vì miếng đất đó (cũng là đất nhà người đó đang ở, cắt ra bán) đã có người tới xem và hứa có giấy tờ đầy đủ sẽ mua luôn. Ban đầu số tiền cho vay là 10 triệu đồng và có làm giấy tờ cho vay, viết tay và ký tên. Em có giữ hộ khẩu nhà người bạn có công chứng sao y. Vì người bạn này là bạn học cũ, cũng trong nhóm bạn thân nên em không bảo đem công chứng giấy nợ. Tuy rằng người này đã có nợ trước chưa trả được (18 triệu đồng) và cũng gần một năm sau mới liên lạc được (không bạn bè nào trông nhóm liên lạc được cả), do thấy thương tình nên không truy cứu chuyện cũ. Trong quá trình làm giấy tờ thì xảy ra rất nhiều phát sinh do đất tranh chấp phải thương lượng với hàng xóm và tiền thuế, tiền làm hồ sơ giấy tờ phát sinh thêm, phí chuyển nhượng sang thổ cứ, tiền chi cho các bên... đến nay số tiền (gồm cả nợ cũ) đã lên đến 135 triệu đồng. Việc này rất kéo dài và lằng nhằng nên đến khi có giấy chứng nhận tạm thời rồi thì bên mua đất có ý định kỳ kèo đòi bớt tiền. Bên gia đình người bạn không chịu vì lỗ nhiều nên cuối cùng không bán được. Sau đó thì đành phải kiếm người mua khác. Em có nhờ người quen bên kinh doanh đất kiếm giúp mối, gọi cho người bạn cũng đang vửa làm thêm vừa hỏi thăm mối, để nhờ chụp hình khu đất và chụp giấy chứng nhận sử dụng đất để chuyển cho bên công ty môi giới. Người bạn nói đã xong giấy tờ từ bên địa chính. Tuy người bạn có viện nhiều lý do để không chịu làm theo (chụp hình), nhưng em cương quyết để đẩy nhanh tiến độ để bán cho xong. Người đó cuối cùng đồng ý, hứa từ 2 tuần trước lên lấy giấy về để chụp lại và gửi các hình ảnh cho em. Tuy nhiên sau đó thì từ 2 tuần nay em gọi điện lại mà không nghe máy, điện thoại có đổ chuông. Số khác thì tắt máy.Em không có số của người thân khác trong gia đình họ (bố, mẹ, ông cậu..) nên không biết cách nào liên lạc để hỏi xem có sự cố gì không.Đến đây đặt thêm nghi vấn có phải có sự lừa đảo hay bỏ trốn gì không? Người bạn này đã có tiền sử lánh mặt trước đó 1 thời gian rồi, tuy nhiên số tiền đó là nợ từ thời sinh viên (18 triệu) dù em muốn bạn trả lại nhưng nghĩ do khó khăn nên không truy xét. Tuy nhiên đến nước này mà lánh mặt nữa thì không được rồi.Hiện tại chứng từ trong tay em chỉ có giấy cho vay nợ gốc (10 triệu), tin nhắn, 1 đoạn ghi âm nhỏ), thống kê giao dịch ATM. Em chưa tính xuống tận nơi vì hiện tại còn bận công việc trên này. Xuống sợ cũng không gặp thì mất công.Nếu bên luật sư giúp em liên lạc được lại với người bạn này hay gia đình của bạn đó được thì sẽ hỏi thăm xem chuyện gì đã xảy ra và có thể thuyết phục hợp tác lại được, không cần làm lớn chuyện và khởi kiện nếu người bạn và bên nhà có thiện chí. Em kể chi tiết thêm là người bạn có nói việc vay nợ này cho bố bạn ấy, bố bạn ấy có hỏi bên người cậu (chị của vợ) nhưng chưa vay để trả cho em được. Cho nên bố người bạn cũng biết và có liên quan, vì ông là người muốn bán đất để trang trải cho gia đình ( vợ ông hiện đang bệnh cần tiền chữa chạy).

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn cho công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Bạn nên gặp trực tiếp để xác minh người bạn kia đang gặp khó khăn, vướng mắc gì khi không liên lạc được. Nếu liên lạc được thì có thể yêu cầu bạn ấy hoặc bố bạn ấy trả lại số tiền đã vay của bạn.

 

Thứ nhất, nếu việc không liên lạc được để yêu cầu trả lại, bạn cần làm đơn khởi kiện về vi phạm hợp đồng vay tài sản.

 

Căn cứ theo Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

 

“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

 

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

 

Theo đó, bạn và bạn của bạn đã làm hợp đồng thỏa thuận về việc cho vay tiền, cụ thể ở đây là 10 triệu đồng trên giấy tở có viết tay và kí tên xác nhận.

 

Căn cứ theo Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

 

“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

 

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

...

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác...”

 

Như vậy, bạn của bạn phải có nghĩa vụ thanh toán số tiền đã vay bạn khi đến thời hạn. Nếu bạn của bạn vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ thì bạn có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định của pháp luật.

 

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015).

 

Thứ hai, nếu bạn ấy vay mượn và có hành vi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt số tiền đó thì có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể:

 

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

 

Như vậy, nếu bạn của bạn không nghe điện thoại và không liên lạc được trong thời gian nhất định để trả tiền bạn, thì bạn có thể làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an yêu cầu xác minh và có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm.

 

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Nguyễn Hồng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo