Phạm Diệu

Tư vấn Luật Người Khuyết Tật về Giám định khuyết tật

Công ty Luật Minh Gia vui lòng hỗ trợ tư vấn giúp tôi về luật “trợ cấp người khuyết tật", tình huống như sau: Anh A bị sốt bại liệt từ lúc mới 6 tháng tuổi, hiện nay di chuyển phải mang nẹp sắt chân trái và chống 2 nạng. Năm 200x có Giám định y khoa tại TT Giám Định G và kết luận tỷ lệ mất sức lao động của tôi là 71%.

 

Năm 201x anh A có ra phường P nộp đơn xin trợ cấp người khuyết tật và có nộp kèm Giấy Giám Định y khoa, phường nói rằng giấy này không có giá trị nên tổ chức giám định lại. Khi phường tổ chức giám định lại thì chỉ có xem sơ qua rồi ghi ghi chép chép chứ không kiểm tra kỹ và rồi ra kết luận là tôi bị khuyết tật nhẹ nên không được hưởng trợ cấp khuyết tật. Sau này anh A có nghe mấy bạn bên hội khuyết tật nói rằng: Nếu đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa rồi thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật. Xin hỏi là có đúng như vậy không? Và nếu anh A trong diện được hưởng trợ cấp thì phải làm sao? Quy định pháp luật thế nào? Xin chân thành cám ơn và rất mong nhận được hồi âm của Quý công ty.

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho Luật Minh Gia, Luật Minh Gia xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Theo quy định tại khoản 3 điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP:

3. Người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật như sau:

a) Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

b) Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

c) Người khuyết tật nhẹ khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.

 

Việc cơ quan tại phường P không chấp nhận kết quả giám định ý khoa trước đây của bạn có thể vì lý do Giấy Giám định trước đây của bạn không có ghi rõ về khả năng tự phục vụ, trường hợp này được giải quyết theo khoản 4 điều 4 nghị định 28/2012 như sau:

4. Trường hợp văn bản của Hội đồng giám định y khoa trước ngày Nghị định này có hiệu lực kết luận chưa rõ về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

 

Trong trường hợp này, nếu kết quả giám định trước đây của bạn không đủ điều kiện để xác định khả năng tự phục vụ, bạn có thể đề nghị giám định lại mức độ khuyết tật hiện nay dưới hình thức đơn đề nghị gửi UBND xã, phường. Theo đó, Chủ tịch UBND xã, phường sẽ có trách nhiệm triệu tập Hội đồng giám định y khoa để giám định mức độ khuyết tật theo Điều 16, 17 Luật Người khuyết tật 2010.

Điều 17. Phương pháp xác định mức độ khuyết tật

1. Việc xác định mức độ khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật này được thực hiện bằng phương pháp quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội và các phương pháp đơn giản khác để kết luận mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết khoản này.

2. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về việc xác định mức độ khuyết tật đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật này.

 

Trong trường hợp Giấy khám định trước đây của bạn đã đủ căn cứ đã nhắc tới ở trên, bạn có thể gửi đơn yêu cầu giám định theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 5 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH:

 

2. Trường hợp người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, hồ sơ khám giám định gồm các giấy tờ sau:

 

a) Giấy giới thiệu của UBND xã nơi đối tượng cư trú đề nghị khám giám định khuyết tật, trong giấy giới thiệu ghi rõ người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, có dán ảnh của đối tượng và đóng dấu giáp lai của UBND xã nơi đối tượng đang cư trú.

 

b) Biên bản họp của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật (bản sao Biên bản).

 

c) Các giấy tờ theo quy định tại điểm c, điểm d, Khoản 1 Điều này.

 

d) Giấy kiến nghị của người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật về kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.

 

3. Trường hợp có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, không chính xác, hồ sơ khám giám định gồm các giấy tờ sau:

 

a) Các giấy tờ theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

 

b) Bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, không chính xác thể hiện qua biên bản, giấy kiến nghị, ảnh chụp, băng ghi âm hoặc các hình thức thể hiện khác.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn "Luật Người Khuyết Tật" về Giám định khuyết tật. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV: Ngô Thị Ngọc Anh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo