LS Vy Huyền

Tư vấn đối với trường hợp vợ đứng ra bảo lãnh cho chồng

Luật sư tư vấn đối với trường hợp vợ đứng ra bảo lãnh cho chồng nếu chồng có hành vi vi phạm hoặc gây thiệt hại cho công ty. Nội dung tư vấn như sau:

Câu hỏi: Em xin chào văn phòng luật sư. Em đang có một vấn đề rất mong được quý văn phòng tư vấn giúp em ạ. Chồng em làm nhân viên kinh doanh cho một công ty làm về vật liệu xây dựng. Trong quá trình làm việc chồng em có sử dụng tiền của công ty vào việc cá nhân, hiện tại thì công ty đã đưa đơn kiện chồng em ra tòa. Trong quá trình làm việc thì phía công ty có đưa cho chồng em 1 tờ giấy bảo lãnh làm việc tại công ty có nội dung như là chấp hành các quy định của công ty, thu tiền và nôp tiền đầy đủ và có khoản mục người bảo lãnh kí là phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu vi phạm. Và công ty bắt vợ phải ký bảo lãnh cho chồng để được tiếp tục làm việc tại công ty, vì trong trường hợp này em bất đắc dĩ phải ký cho chồng để được tiếp tục làm việc tại công ty, nhưng không ngờ mọi chuyện lại xảy ra như vậy, vì vậy em muốn hỏi quý văn phòng tư vấn giúp em trong trường hợp này khi công ty đưa đơn kiện chồng em ra tòa thì em có bị ảnh hưởng và chịu trách nhiệm gì không ạ? và khi đưa đơn ly hôn thì em có trách nhiệm phải trả số tiền trên và em có được giải quyết ly hôn trong trường hợp này không ạ? em rất mong nhận được câu trả lời từ quý văn phòng. Em xin chân thành cảm ơn ạ!

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại điều 335 Bộ luật dân sự 2015 về bảo lãnh thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên nhận bảo lãnh nếu người đó không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình. Cụ thể:

 

Điều 335. Bảo lãnh

 

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

 

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

 

Theo quy định trên thì nếu bạn đã ký vào giấy bảo lãnh cho chồng bạn trước khi chồng bạn được nhận vào công ty thì bạn sẽ có nghĩa vụ đứng ra trả nợ cho công ty nếu chồng bạn không thực hiện được nghĩa vụ. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp công ty khởi kiện yêu cầu chồng bạn hoàn lại tiền cho công ty mà chồng bạn không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ thì công ty có quyền yêu cầu bạn trả nợ thay cho chồng. Việc bảo lãnh cho chồng bận không ảnh hưởng đến việc ly hôn của vợ chồng bạn. Tuy nhiên, vì đã ký tên trong giấy bảo lãnh cho chồng bạn, cho nên nếu sau khi ly hôn mà chồng bạn có hành vi vi phạm và không thực hiện được thì bạn vẫn phải có nghĩa vụ đứng ra thực hiện nghĩa vụ thay cho chồng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Thúy Vân - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo