Đinh Thị Minh Nguyệt

Tư vấn chia thừa kế theo pháp luật

Nội dung yêu cầu tư vấn: Xin luật sư cho hỏi về việc thừa kế tài sản của người đã chết như sau : Bố tôi khi còn sống có 6 người con, bố và mẹ đã ly hôn năm 1998.

 

Lúc đó theo sự phân chia của tòa án thì chỉ có tôi và 2 đứa em thuộc quyền nuôi dưỡng của bố tôi không nhớ rõ vì sau đó mẹ tôi đi lấy chồng và bán hết nhà đất đi theo người kia, thì cả năm đứa em về sống nhờ bố, lúc đó bố đã ngoài 50 tuổi chính tôi phải phụ bố nuôi các em sau đó đi lấy chồng, mẹ tôi cũng quay về bằng cách nào đó bố tôi nhường cho mẹ phần lớn phần đất mà bố đang sinh sống. Sau này đứa em gái đang ở với mẹ sau khi lấy chồng bị mẹ đuổi đi nên đến xin ở cùng bố từ đó. Lúc ấy bố còn sống tài sản gồm có 02 lô đất một là mặt tiền một là đất vườn ở trong khu dân cư. Năm 2008 cô em gái thứ tư chơi bài back số đề bố đã cho lô đất vườn khoảng 02 mẫu bắc bộ bán để trả nợ. Phần còn lại của bố là 01 mảnh đấy mặt tiền có chiều dài 48m mặt đường nhưa.Cô thứ hai được bố chuyển sổ 01 mảnh đất mặt tiền đường nhựa là 08m chiều ngang đã làm nhà. Cậu thứ tư đc bố cho 10m chiều ngang bán lại cho cậu thứ 3 để lấy tiền đóng học phí và cuối năm 2013 bố đã ký thủ tục sang tên cho cậu thứ 3 là 22m mặt tiền. Phần còn lại là 18m bố tôi đứng tên. Cuối 2014 bố già yếu bị bệnh tắc nghẽn phổi giai đoạn cuối, các em đùn đẩy ko chăm sóc bỏ bố ở lại qui nhơn một mình tôi đã đón bố về và phải thuê người chăm sóc bố và đã sảy ra mâu thuẩn vs các em. Chính bố cũng bất bình vì sự mất đạo đức này. Và lúc đó mảnh đất của bố tôi vì ngắn chiều sau nêm giá trị ko cao. Đến tháng 01 / 2016 cậu thứ 3 âm thầm về quê tự ý không đổi đất cho một hộ phía sau làm nhà lên phần đất bố đang đứng tên. Và đất lúc này giá trị trên 20 triệu /m mặt đường. Và vào bệnh viện thuê xe đón bố đi. Trước khi bố đang ở bệnh viện đã gọi tôi đến giao lại sổ đỏ và nói phần này bố cho tôi. Và dặn ko đc đưa cho ai nếu ko có ý kiến của bố. Bố tôi cũng nói sau này bán đất chỉ còn cô út thì bố chỉ cho 10 triệu nữa thôi.Tôi lúc đó không có ý tranh giành và cũng không quan tâm đến đất của bố. Sau này các em đòi sổ để bán, tôi có nói bố dặn ko được đưa cho ai, nếu cần thì nói bố nếu bố đồng ý sẽ đưa. Nhưng bố luôn từ chối đưa sổ cho bất kỳ ai. Cuối tháng 3 vừa qua bố bệnh ngày một nặng các em gây sức ép. Vì tôi không có tiền. Và muốn cứu bố nên đồng ý giao sổ cho cô thứ hai với điều kiện bán 01 phần sổ là 07m mặt tiền giá 130 triệu nhưng cô này chỉ đưa cho tôi 30 triệu rồi lấy sổ đi, và chỉ 2 ngày sau thì mấy người em đã giấu tôi xin bác sỹ đưa bố về nhà cô em thứ 2 gần tối hôm đó thì bố mất sau khi tẩm liệm cho bố xong mới báo cho tôi biết. Sau khi bố mất các em ép tôi nhận 30 triệu.và ký giấy từ chối thừa kế tài sản của bố. Tôi không đồng ý và đề nghị được mua lại mảnh đất trên để tặng cho con gái. Vậy là cậu thứ ba đã đánh tôi và dọa sẽ giết tôi nếu tôi không từ chopí thừa kế tài sản đó. Vì cậu này đang cần làm sổ để bán đất. Vậy tôi xin hỏi theo những gì tôi đã trình bày thì mảnh đất còn lại của bố tôi giờ sẽ được phân chia như thế nào. Và tôi có quyền thừa kế hợp pháp hay không? Và tôi xin nói thêm trong số các con có ít nhất 02 người không mang huyết thống của bố cũng ko phải bố nhận con nuôi. Đó là cô thứ hai và cái cậu thứ 3 dọa giết tôi đó. Xin luật sư tư vấn cho tôi biết. Tôi phải làm gì để bảo vệ bản thân và tài sản của bố tôi để lại. Xin cảm ơn luật sư!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Do bố bạn mất không để lại di chúc nên theo điểm a, khoản 1 Điều 675 Bộ luật Dân sự 2005, trường hợp này di sản thừa kế sẽ chia theo pháp luật.


 Theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự như sau:


 “a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;


 b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;


 c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.


 2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.


 3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

 

Như vậy, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế được thực hiện theo quy định tại Khoản 2,3 Điều 57  Luật công chứng 2014, theo đó:

 

“ 2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

 

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

 

3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

 

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.”

 

Như vậy, trường hợp không có di chúc khi khai nhận di sản thừa kế bắt buộc phải có Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người thừa kế theo pháp luật với người để lại di sản như hộ khẩu, giấy khai sinh, tờ khai nhân khẩu nên việc xác định ai là người được hưởng di sản sẽ được kiểm tra, xác minh.

 

Đối với hành vi đánh và dọa giết của em bạn, bạn có thể làm đơn trình báo lên cơ quan công an,  tùy theo mức độ hành vi vi phạm pháp luật cơ quan điều tra sẽ xử lý người đó theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn chia thừa kế theo pháp luật. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Cv. Thúy Ngần - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo