LS Thanh Hương

Chia động sản khi ly hôn như thế nào?

Tư vấn về thủ tục đơn phương ly hôn và chia tài sản là động sản khi ly hôn, cấp dưỡng cho con và thăm nuôi con như sau: Xin chào Luật sư Luật Minh Gia, Tôi có vài vấn đề thắc mắc về việc ly hôn của em trai tôi, xin luật sư giải đáp và tư vấn dùm tôi, tôi xin cảm ơn. Sự việc như sau:

Em trai tôi quê ở Long An, kết hôn với vợ ở Quảng Ngãi, và đã có 1 bé trai được 1 tuổi hơn, kết hôn hai năm nhưng thời gian sống như vợ chồng của hai đứa nó chỉ tính trên đầu ngón tay. Vì em trai tôi làm và sinh sống ở Long An, còn vợ nó thì ở trọ và đi làm trên thành phố, cuối mỗi tuần hoặc có khi nửa tháng, 1 tháng em trai tôi mới lên thành phố thăm vợ nó. Em trai tôi chia sẻ với tôi nó kết hôn với vợ nó là vì trách nhiệm. Khoảng thời gian sau này khi vợ nó về sống chung với gia đình chồng thì cũng bất hòa với gia đình chồng, là dâu con nhưng nói chuyện với mẹ tôi rất hỗn hào và bất kính, không chăm lo cho chồng và gia đình. Tuy sống chung nhà nhưng em trai tôi lại ở phòng riêng, không ở chung với vợ của nó. Nó đã cố gắng hàn gắng tình cảm và cố gắng sống chung vì con nhưng có lẽ bây giờ nó đã không thể chịu đựng được vì sự quá đáng và bất tôn trọng của vợ nó. Bây giờ vợ nó mang con bỏ đi, cũng không nói với mẹ tôi tiếng nào, tất cả vàng vòng cưới nó đều gom đi hết lại còn gọi điện mắng chửi mẹ tôi. Đã bao nhiêu lần vợ nó nói với nó là sẽ ký đơn ly hôn nhưng cứ hẹn hết lần này đến lần khác vẫn không ký. Và bây giờ vợ nó nói sẽ ký với điều kiện là mỗi tháng em trai tôi phải cấp dưỡng 3tr/tháng cho đến khi con tròn 18 tuổi, và bắt em tôi phải chuyển khoản đủ 1 lần duy nhất thì mới chịu ký. Tức là số tiền lên khoản 700tr, đồng thời chiếc xe Airblade em tôi tự dành dụm mua được sau hôn nhân vợ nó cũng muốn chia đôi 20 tr. Trong khoản thời gian chung sống tuy cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc giống người ta nhưng em tôi luôn làm tròn nhiệm vụ của 1 người chồng của gia đình, ngoài tiền sinh hoạt đưa cho vợ nó, nó còn tiết kiệm để mua xe. Tôi không muốn em tôi cứ tiếp tục cuộc sống đi sớm về muộn, lủi thủi một mình nên khuyên nó làm thủ tục đơn thân ly hôn. Nhưng hiện tại giấy khai sinh con nó thì không có, vì vợ nó đã mang đi hết rồi. Luật sư cho tôi hỏi, thiếu giấy khai sinh thì có sao không luật sư? Đồng thời làm cách nào để chứng minh chiếc xe là tài sản riêng của em tôi sau hôn nhân? Và nếu ly hôn thì mỗi tháng em tôi phải trợ cấp bao nhiêu và có được thăm con nó không vậy luật sư?

Chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Thứ nhất, đối với thủ tục ly hôn.

Việc yêu câu ly hôn hoàn toàn có thể do một bên khởi kiện mà không cần chữ ký của bên kia. Hồ sơ xin ly hôn bao gồm:

+   Đơn xin ly hôn.

+   Bản sao Giấy CMND (Hộ chiếu); Hộ khẩu (có Sao y bản chính).

+   Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn.

+   Bản sao giấy khai sinh con (nếu có con).

+   Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).

Khi đã có con thì bắt buộc phải có bản sao giấy khai sinh của con. Trong trường hợp vợ đã cầm giấy khai sinh của con đi thì người chồng có thể ra UBND nơi đã cấp giấy khai sinh để xin cấp giấy khai sinh bản sao. Người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc phải xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác.

Thứ hai, về vấn đề chia tài sản

Khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”.

Như vây, chiếc xe máy có được từ thu nhập hợp pháp của người chồng trong thời kỳ hôn nhân thì được coi là tài sản chung. Khi ly hôn, phải chia tài sản này cho cả 2 vợ chồng. Tuy nhiên có thể chia theo công sức đóng góp của mỗi người chứ không nhất thiết phải chia đôi.

Thứ ba, về vấn đề cấp dưỡng và thăm nom con sau khi ly hôn

Khoản 1 Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình quy định:

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Như vậy, mức trợ cấp hàng tháng tính theo thu nhập của người bố, pháp luật không quy định cách tính hay mức cụ thể.

Khoản 3 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình quy định về quyền thăm nom:

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

Người chồng hoàn toàn có quyền thăm nom con mà người vợ hay bất cứ ai có quyền ngăn cấm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo