Hoàng Thị Nhàn

Tư vấn chia di sản thừa kế của bố, mẹ để lại

Kính Gửi Văn Phòng Luật Sư Minh Gia. -Tôi tên : Bùi Văn H .Tôi có một câu chuyện về gia đình tôi liên quan đến quyền sử dụng đất mong được văn phòng luật sư tư vấn.- " Ông bà tôi có 6 người con, bố tôi là út lập gia đình sau nhất nên được ở và chăm lo bố, mẹ tới khi ông,bà qua đời.

 

Nội dung yêu cầu: Kính Gửi Văn Phòng Luật Sư Minh Gia. -Tôi tên : Bùi Văn H .Tôi có một câu chuyện về gia đình tôi liên quan đến quyền sử dụng đất mong được văn phòng luật sư tư vấn.- " Ông bà tôi có 6 người con, bố tôi là út lập gia đình sau nhất nên được ở và chăm lo bố, mẹ tới khi ông,bà qua đời. Của hồi môn khi ông, bà mất để lại cho con cháu là một cái ao rộng chừng 500m2 , do là của hồi môn vậy nên có sự tranh chấp xảy ra trong gia đình tôi với nhà bác trưởng "  - Tôi hỏi nếu trong trường hợp xảy ra kiện tụng thì gia đình tôi có được thừa hưởng của hồi môn của ông, bà để lại không. ( Ngày trước bà nội tôi còn sống, Bác trưởng tôi đã tự làm di chúc , rồi lăn dấu vân tay bà tôi vào không có sự chứng kiến của chính quyền có được coi là hợp pháp không). Quy định pháp luật về di chúc thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn Văn Phòng Luật sư Minh Gia , Tôi Hy vọng nhận được những ý kiến tứ vấn của VPLSMG. Cảm ơn !

 

Trả lời: Công ty Luật Minh Gia xin cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho chúng tôi! Câu hỏi của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

 

Căn cứ quy định tại Điều 630 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về di chúc hợp pháp như sau:

 

"1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

 

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

 

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này

".

Theo quy định của pháp luật, di chúc được coi là hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện trên. Đối với trường hợp của bạn, vì bác bạn tự ý làm di chúc sau đó lăn dấu vân tay của bà bạn, không có xác nhận của chính quyền địa phương thì di chúc này chỉ được xác nhận là hợp pháp khi đáp ứng đủ điều kiện tại khoản 1 quy định trên. Do đó, nếu trường hợp bác bạn lợi dụng tình trạng bà không minh mẫn, hoặc có hành vi lừa dối, cưỡng ép bà bạn lập di chúc theo ý chí của bác bạn thì bản di chúc này là không hợp pháp.

 

Tiếp đó, sau khi xác định bản di chúc được lập trái quy định pháp luật thì gia đình bạn có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân hủy bản di chúc này và chia di sản thừa kế theo pháp luật. Những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất của ông bà bạn sẽ được hưởng phần di sản thừa kế ông bà bạn để lại. Những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất được quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể như sau:

 

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

 

Như vậy, những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất của ông bà bạn theo quy định sẽ được hưởng một phần chia bằng nhau đối với phần di sản ông bà bạn để lại. Do đó, bố bạn có quyền được hưởng di sản mà ông bà bạn để lại theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đối với trường hợp bác bạn lừa dối, cưỡng ép bà bạn trong việc lập di chúc hoặc tự ý giả mạo di chúc nhằm hưởng lợi riêng trái với ý muốn của bà bạn thì áp dụng theo Điều 621 sẽ không còn được quyền hưởng di sản thừa kế nữa.

 

Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản

 

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

 

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.”

 

Do đó, để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp các bên không đi đến thỏa thuận chung, gia đình bạn có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận, huyện nơi có đất để yêu cầu chia di sản thừa kế.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn chia di sản thừa kế của bố, mẹ để lại. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Lê Minh - Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo