Mạc Thu Trang

Chia thừa kế trường hợp có vợ kế và con riêng thế nào?

Xin chào luật sư, tôi viết mail này mong đc sự tư vấn của luật sư. Tôi là con trưởng trong nhà, sau tôi còn 1 em gái, gia đình tôi có 1 mảnh đất mang tên bố tôi, đã được cấp bìa đỏ năm 2000, khi đó mẹ tôi còn sống, nhưng năm 2006 mẹ tôi qua đời, bố tôi có đăng kí kết hôn với bà vợ 2 cùng năm đó, sau sinh 1 e trai, hiện nay đã 8 tuổi.

Nhưng trong năm 2014 vừa qua bố tôi cũng đã qua đời. Bìa đỏ nhà đất vẫn mang tên bố tôi. Nay tôi viết mail này để mong đc sự tư vấn của luật sư về đất đc thừa kế. Với mong muốn chuyển bìa đỏ sang tên tôi thì cần phải làm như thế nào? Sau khi chuyển tên sổ đỏ sang tên tôi để bán. Sau lại chia đều số tiền bán cho các em. Em trai mới 8 tuổi, tôi có được quyền bảo hộ hợp pháp cho e trai thay mẹ đẻ em tôi cho đến khi đủ tuổi thừa kế tài sản không? (Vì bà vợ 2 bố tôi có thể đang có ng mới, tôi k mún bà làm ảnh hưởng tới tài sản do bố mẹ tôi để lại). Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ tư vấn của luật sư!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến cho công ty Luật Minh Gia. Đối với câu hỏi của anh,, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Vì thông tin anh cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi sẽ tư vấn theo các trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Bố anh mất và không để lại di chúc, di chúc của bố anh không hợp pháp .

Theo nguyên tắc chung, nếu người mất có di chúc thì tài sản sẽ được chia theo di chúc; nếu không có hoặc di chúc không hợp pháp, tài sản của người mất sẽ được chia theo pháp luật.

Điều 676 Bộ luật Dân sự quy định cụ thể các hàng thừa kế bao gồm:

"a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;"

Và: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Căn cứ theo quy định trên thì: anh, em gái anh, người vợ kế cùng đứa con trai 8 tuổi thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Và có quyền hưởng thừa kế mảnh đất của bố anh ngang nhau. (Nếu đăng ký kết hôn giữa bố anh và người vợ này là hợp pháp, không phải là giả. Còn trong trường hợp anh xác định được giấy đăng ký kết hôn này là giả, hay việc kết hôn này không hợp pháp thì người vợ kế này cùng đứa con sẽ không được hưởng thừa kế).

Như vậy, anh không thể sang tên bìa đỏ được mà mảnh đất này sẽ phải chia đều theo quy định ở trên.

Về thủ tục phân chia di sản cũng như sang tên sổ đỏ chúng tôi sẽ tư vấn ở phần sau.

Trường hợp 2: Bố anh mất, có để lại di chúc và di chúc này là hợp pháp

Như vậy, việc phân chia di sản như nào sẽ buộc phải tuân theo di chúc của bố anh.

Ngoài ra, Điều 669 Bộ luật dân sự cũng quy định:

Điều 669. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.

Như vậy, mẹ kế anh người em trai 8 tuổi vẫn có thể được hưởng di sản.

Về việc anh muốn thay mặt người em trai 8 tuổi để nhận di sản thì theo điều 39 Bộ luật dân sự 2005: Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật. Do đó anh không thể thay mặt người em trai này để hưởng di sản.

Về thủ tục khai nhận di sản thừa kế

+) Về giấy tờ

a) Giấy tờ chung:

Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;

Giấy chứng tử của người để lại di sản;

Các giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; sổ tiết kiệm, Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận cổ phần,…;

Giấy tờ về nhân thân của người thừa kế: CMND, hộ khẩu;

b) Trường hợp có di chúc và di chúc ghi rõ cách phân chia tài sản, bạn cần cung cấp thêm: Di chúc

c) Trường hợp không có di chúc hoặc có di chúc nhưng di chúc không ghi rõ cách phân chia di sản, bạn cần cung cấp thêm:

Tờ tường trình và cam kết về quan hệ nhân thân

Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người thừa kế theo pháp luật với người để lại di sản trường hợp không có di chúc: hộ khẩu, giấy khai sinh, tờ khai nhân khẩu;

+) Về thủ tục

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản. Việc thụ lý phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.

Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.

Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.

Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế. Các đồng thừa kế có thể lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (Điều 57 Luật Công chứng 2014) hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế (Điều 58 Luật Công chứng 2014). Sau khi công chứng văn bản thừa kế, người được hưởng di sản thực hiện thủ tục đăng ký quyền tài sản tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất.

Qua thư tư vấn chúng tôi chỉ cung cấp được những tư vấn theo pháp luật. Về vấn đề thủ tục, anh có thể xem kỹ hơn tại các cơ quan nêu trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo