Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Trường hợp Vỡ hụi rồi bỏ trốn xử lý như thế nào ?

Câu hỏi: Xin hỏi luật sư về việc tham gia họ, hụi nhưng bị vỡ như sau: - Thành viên A tham gia 1 dây hụi 5 triệu /1 tháng, vào kỳ đầu tiên thành viên A chơi 4 phần ( mỗi phần là 5 triệu ) , thì thành viên A đã hốt ngay kỳ đầu hết 4 phần . Tổng giá trị khoảng 240 triệu . Sau đó thành viên A đã đóng hụi chết đến tháng thứ 10.

 

Tháng 8/2017 , thành viên A đồng thời tham gia thêm 1 dây cũng là 5trieu/1 tháng và cũng chơi 4 phần như dây khui 9/2015 . Và thành viên A cũng đã hốt ngay kỳ đầu cho 4 phần , tồng tiền khoảng 250 triệu ( khi nhận hụi có ghi giấy xác nhận và thành viên A đã ký tên ). - Đồng thời 2 dây hụi lớn thì thành viên A cũng chơi 1 số dây hui nhỏ 2 triệu /1 tháng .Tuy nhiên, đến giữa tháng 12/2017 tôi phát hiện thành viên A bỏ nhà trốn đi đâu mất , tôi đã tìm nhưng hiện tại ko kiếm được. Ước tính tồng cộng các dây hụi lại thì thành viên A phải đóng khoảng 480trieu . Vậy luật sư cho tôi hỏi , tôi có thể thưa kiện thành viên A hay không ? và hình thức kiện đơn như thế nào ạ ? và nếu tôi đưa đơn thưa kiện thì co thể yêu cầu khi thành viên A có mua bán nhà tại địa phương có quyền ngăn chặn khi có đơn kiện không ? Cảm ơn luật sư !

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau: 

 

Căn cứ tại Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Họ, hụi, biêu, phường như sau:

 

1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.

4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

 

Như vậy, chơi hụi là hình thức xoay vốn ngắn hạn được pháp luật thừa nhận. 

 

Chơi hụi (họ) thực chất là việc xoay vốn trong thời gian ngắn sau đó thực hiện nghĩa vụ đóng hụi (trả góp số tiền đã được lĩnh). Người chơi hụi thường là những người trong họ hàng, đã quen biết nhau từ trước. Việc A là thành viên tham gia chơi hụi, đã được lĩnh hụi nhưng sau đó không tiếp tục đóng hụi và đã bỏ trốn. Căn cứ quy định trên, nếu A trốn tránh nghĩa vụ đóng hụi thì chủ hụi có thể yêu cầu A phải thực hiện hết nghĩa vụ của mình để không làm ảnh hưởng đến các thành viên khác.

 

Nếu A vẫn không thực hiện nghĩa vụ đóng hụi sau khi được chủ hụi yêu cầu đóng tiền thì anh có thể gửi đơn khởi kiện dân sự đến TAND cấp huyện nơi A cư trú để đòi số tiền mà A phải đóng hụi và yêu cầu Tòa án dùng biện pháp khẩn cấp tạm thời để A không thể bán nhà, tẩu tán tài sản trốn tránh nghĩa vụ trả tiền hụi.

 

Nếu A có ý định gian lận, cố tình không thực hiện nghĩa vụ thì A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS 2015 sửa đổi 2017):

 

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 

 

Để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như của các thành viên chơi hụi, trong trường hợp này, dựa trên những giấy tờ, chứng cứ về việc A có chơi hụi, đã được lĩnh hụi bạn có thể gửi đơn khởi kiện ra toà án cấp huyện tại nơi A cư trú theo quy định của pháp luật và yêu cầu giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

 

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

 

Trân trọng

P. Luật sư tư vấn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo