LS Vy Huyền

Trường hợp người nước ngoài nhờ người thân đứng tên sổ đỏ

Thưa Luật sư. Tôi có người bạn hiện tại mang quốc tịch Canada, hiện nay không còn quốc tịch Việt Nam, mỗi lần nhập cảnh Việt Nam tạm trú không quá 90 ngày (tạm gọi cô A).

Năm 2008 cô A có gửi tiền về Việt Nam nhờ bố đẻ của mình đứng tên mua một ô đất của công ty B bằng hình thức hợp đồng góp vốn có văn bản thỏa thuận do phòng Tư pháp thành phố sở tại chứng thực, nội dung cơ bản như sau:
- Toàn bộ số tiền góp vốn và các chi phí khác liên quan đến ô đất là của cô A.
- Bố đẻ không được phép định đoạt, chuyển nhượng, thế chấp ô đất nếu không có sự đồng ý của cô A.
- Cô A có toàn quyền định đoạt, chuyển nhượng, tặng ô đất trên mà không cần phải có sự đồng ý của bố đẻ mình.
Không may đến năm 2010 bố đẻ cô A qua đời, cô A cầm toàn bộ hồ sơ đến công ty B yêu cầu đổi tên qua cho mình hoặc một người khác mà cô A yêu cầu, nhưng công ty B yêu cầu cô A phải có bản phân chia di sản thừa kế do khi bố cô A mất không để lại di chúc, còn bản thỏa thuận giữa bố đẻ và cô A mất hiệu lực pháp lý. Khi đã có bản phân chia di sản thừa kế, công ty B căn cứ vào đó sẽ hoàn tất các thủ tục cấp giấy CNQSDĐ.
Xin hỏi các yêu cầu của công ty B có đúng hay không? và cô A cần làm các bước tiếp theo như thế nào để đảm bảo quyền lợi của mình và thực hiện theo đúng pháp luật.
Xin trân trọng cảm ơn.


Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, các yêu cầu của Công ty B là đúng
 
 Việc cô A không đủ điều kiện mua đất tại Việt Nam, nhờ người thân đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, giao dịch ủy quyền trong trường hợp này là không phù hợp với quy định của pháp luật và sẽ bị coi là vô hiệu.

Thứ hai, việc bố chị A chết không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ chia theo pháp luật. Do đó, ô đất mà bố chị A đứng tên sẽ được chia theo quy định của pháp luật cho các đồng thừa kế. Như vậy, nếu tất cả các đồng thừa kế đều thống nhất để chị A hưởng toàn bộ di sản thừa kế và đứng tên sở hữu khối di sản đó thì các bên đồng thừa kế cần tiến hành thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng.
 
Điều 57 Luật Công chứng 2014 quy định về công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.”

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, những người được hưởng di sản khác có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho chị A. Sau đó, chị A mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp và giấy tờ chứng minh quan hệ thừa kế với người đã mất để đăng ký biến động quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trường hợp người nước ngoài nhờ người thân đứng tên sổ đỏ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Cv. Bùi T.Ngần

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo