Phạm Diệu

Trao đổi đất bằng thỏa thuận miệng có hiệu lực pháp luật không?

Thưa luật sư, cho tôi hỏi tôi có xin đất của anh rể tôi để làm nhà vào năm 1999 sau đó đến năm 2002 thì tôi mua được 1 mảnh đất và cho anh rể mảnh đất tôi mới mua đó, (coi như hoán đổi) nhưng bây giờ đường quốc lộ đi qua cửa nhà tôi nên anh rể tôi đòi trả lại đất. Mà trước đó giao kèo giữa chúng tôi chỉ bằng miệng, không có giấy tờ hợp pháp. Vậy thưa luật sư ở trường hợp của tôi mà anh rể tôi khởi kiện thì có ảnh hưởng gì không? Quy định thế nào mong luật sư tư vấn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi đề nghị tư vấn đến Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp bạn và anh rể có các giao dịch về đất đai diễn ra vào các năm 1999 và năm 2002 do đó, giao dịch giữa hai bên sẽ được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự 1995.

 

Điều 691 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hình thức chuyển quyền sử dụng đất như sau:

 

“Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp quyền sử dụng đất theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai được thực hiện thông qua hợp đồng.

 

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản có chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

 

Việc thừa kế quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 738 đến Điều 744 của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.”

 

Theo quy định tại Bộ luật dân sự thì những hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Thỏa thuận trao đổi quyền sử dụng đất của bạn và anh rể bạn chỉ là thỏa thuận miệng, không được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực; hai bên cũng không thực hiện việc sang tên quyền sử dụng đât cho nhau. Do đó, giao dịch giữa bạn và anh rể trong trường hợp này được xác định là giao dịch dân sự vô hiệu.

 

Hậu quả pháp lý của hợp đồng dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 146 Bộ luật Dân sự 1995 như sau:

 

“1- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên từ thời điểm xác lập.

 

2- Khi giao dịch dân sự vô hiệu, thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

 

Tuỳ từng trường hợp, xét theo tính chất của giao dịch vô hiệu, tài sản giao dịch và hoa lợi, lợi tức thu được có thể bị tịch thu theo quy định của pháp luật.”

 

Do đó, anh rể bạn có thể đòi lại mảnh đất đó. Tuy nhiên, do bạn và anh rể thực hiện đổi đất đến nay đã được khoảng 16 năm do đó để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho gia đình mình bạn có thể làm đơn lên Tòa án yêu cầu Tòa án xem xét ý chí và công nhận hợp đồng của các bên tại thời điểm đổi đất đến bây giờ. Khi đó, Tòa án sẽ xem xét một số án lệ đã có hiệu lực liên quan đến vấn đề đổi đất giữa các bên để giải quyết đối với trường hợp của bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trao đổi đất bằng thỏa thuận miệng có hiệu lực pháp luật không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV.Hương – Công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo