Cà Thị Phương

Tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất

Gia đình tôi gồm có chị dâu thứ hai (do anh hai tôi đã mất), anh ba, chị tư, anh năm và người dâu út (do em út tôi đã mất). Lúc trước khi mẹ tôi còn sống thì ở cùng với vợ chồng người em út.
Tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất

Câu hỏi tư vấn:

Gia đình tôi gồm có chị dâu thứ hai (do anh hai tôi đã mất), anh ba, chị tư, anh năm và người dâu út (do em út tôi đã mất). Lúc trước khi mẹ tôi còn sống thì ở cùng với vợ chồng người em út. Sau khi người em út tôi mất mẹ tôi ở cùng con dâu út trên mảnh đất và nhà do mẹ tôi đứng tên. Thời gian sau mẹ tôi bị tai biến nên vợ chông anh ba đã đón mẹ về nhà tiện phụng dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Ít lâu sau mẹ tôi mất. Trước khi mẹ mất (lúc mẹ tôi còn mạnh khỏe) anh chị em tôi thống nhất bàn bạc với mẹ phân chia mảnh đất ông bà (do mẹ tôi đứng tên) thành những phần cho con của người chị dâu thứ hai, anh ba, chị tư, anh năm, tôi, con em dâu út và mẹ tôi. Các mảnh đất cho các con, cháu đều như nhau chỉ riêng mảnh đất nhà (hiện tại em dâu tôi đang ở) là của mẹ tôi do chính mẹ đứng tên. Sau khi mẹ mất, anh chị em chúng tôi bàn bạc muốn giữ mảnh đất do mẹ đứng tên để làm nên thờ cúng và cải tạo thành nhà từ đường nên đề nghị em dâu út xây nhà và dọn đồ về mảnh đất đã được chia từ trước và kinh phí xây dựng sẽ được các anh chị em còn lại hỗ trợ một phần. Tuy nhiên người em út không đồng ý và không chịu di dời với bất kỳ lý do gì, một mực cố thủ tại nhà này và không tham gia vào bất cứ cuộc bàn bạc, góp ý nào của mọi người, sau đó người em dâu tôi nói là không đi đâu hết vì đây là nhà, đất của mình và nói là trước đây mẹ tôi có di chúc lại cho em dâu út tôi. Nhưng khi chúng tôi hỏi di chúc đâu thì lại nói là đang nhờ người khác giữ dùm vì sợ để ở nhà bị mất, đến nay cũng đã hơn 2 tháng nhưng tình hình vẫn không chuyển biến gì (không đưa ra được di chúc và cũng khăng khăng cố thủ tại ngôi nhà này và bất chấp mọi ý kiến bàn bạc của mọi người). Xin đoàn luật sư cho tôi hỏi, với hoàn cảnh như trên gia đình tôi nên giải quyết như thế nào cho đúng theo nguyện vọng của các anh chị em và theo đúng pháp luật? Xin cảm ơn và kính chào !.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Bạn hỏi về phần mảnh đất của mẹ bạn đứng tên và người dâu út đang sống thì theo quy định của pháp luật, thời điểm mở thừa kế tài sản của mẹ bạn là thời điểm người có tài sản chết quy định tại điều 633 Bộ luật dân sự 2005:

“Điều 633. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Toà án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này.

2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản”.


Theo đó, em dâu út của bạn bảo rằng mẹ bạn có di chúc để lại mảnh đất cho người dâu út đó. Nếu thực sự có di chúc thì sẽ thực hiện theo di chúc, còn nếu không có di chúc thì mảnh đất của mẹ bạn đứng tên sẽ chia theo pháp luật theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 675 Bộ luật dân sự năm 2005 :

 "Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;"


Khi thừa kế theo pháp luật thì những người được hưởng thừa kế theo điều 676 Bộ luật dân sự 2005 thì những người được thừa kế mảnh đất của mẹ bạn gồm anh ba, chị tư, anh năm của bạn và bạn.

"Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;"


Vì anh hai và em út của bạn đã mất trước khi mẹ bạn mất nên con của anh hai và em út của bạn sẽ là những người được thừa kế thế vị phần di sản mà anh hai và em út của bạn được hưởng theo quy định tại điều 667 Bộ luật dân sự 2005:

"Điều 677. Thừa kế thế vị

Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống".


Trong trường hợp của bạn, bạn nên yêu cầu em dâu bạn đưa ra di chúc chứng minh mẹ bạn để lại mảnh đất cho em dâu út. Nếu em dâu út không đưa ra được di chúc thì gia đình bạn có thể thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa chia thừa kế theo pháp luật mảnh đất của mẹ bạn. Khi chia theo pháp luật thì chắc chắn rằng em dâu út của bạn sẽ không được hưởng thừa kế mà chỉ có con cậu út của bạn mới có thể được thừa kế thế vị theo quy định trên. Do đó, bạn có thể cùng em dâu bạn cũng như các thành viên bàn bạc với nhau để có quyết định phù hợp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

!
CV : Nguyễn Thùy - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo