Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tranh chấp về kinh phí khi xây dựng cổng đi chung

Thưa luật sư, tôi muốn trình bày một việc như sau. Năm 1996, tôi có mua một mảnh đất của bà B, theo thoả thuận phần cổng nhà tôi sau này sẽ đi chung cổng với bà B kể từ ngày giao tiền.

 

Câu hỏi: Vì chưa có điều kiện xây nhà nên tôi đã xây tường bao quanh mảnh đất đã mua. Năm 1997, tôi lập gia đình và xây căn nhà cấp 4 trên mảnh đất đó, vẫn còn phần tường bao quanh. Nhà bà C ở trước mặt nhà tôi khi đó đã cho tôi làm cổng đi nhờ trên đất của bà từ đó đến nay. Gần đây, bà C muốn lấy lại phần đất cổng đó nên đã định xây tường ngăn lại nên nhà tôi không có cổng đi. Tôi đã nhờ uỷ ban phường xem xét và phường đã quyết định cho nhà tôi được đi chung cổng với nhà bà B theo hồ sơ kỹ thuật thửa đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp trước đây. Sau đó, tôi sang nhà bà B để thoả thuận mở cổng và nói sẽ trả một phần kinh phí vì bà đã đổ bê tông phần đường cổng đó. Nhưng gia đình bà B không đồng ý và đòi tôi phải trả một phần kinh phí rất lớn nếu muốn đi chung cổng. Tôi thấy thật không hợp lý với điều đó nên lại nhờ phường giải quyết. Uỷ ban phường đã có mở hội nghị hoà giải nhưng kết quả không thành, buộc tôi phải gửi đơn lên toà án nhân dân thành phố nhờ giải quyết. Tôi muốn xin tư vấn và muốn hỏi lệ phí khi thẩm định đất cũng như các chi phí khác mà bên nguyên đơn phải chi trả vì đất nhà tôi thuộc thành phố Việt Trì nhưng trong ngõ hẻm. Mong được sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía luật sư, tôi chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Bạn và hàng xóm có sự mâu thuẫn về kinh phí trả cho việc gia đình bạn sử dụng chung cổng nhà hàng xóm, hai bên đã có thỏa thuận nhưng không thành. Bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về lối đi chung. Bạn có thể tham khảo mẫu đơn khởi kiện.

Về lệ phí thẩm định đất: Điều 104 BLTTDS 2015 quy định về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản như sau:

1. Đương sự có quyền cung cấp giá tài sản đang tranh chấp; thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp.

2. Các đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án.

Việc thẩm định giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản.

3. Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;

b) Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản;

c) Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá….”

 

Căn cứ vào quy định trên thì bạn và hàng xóm có thể thỏa thuận về việc lựa chọn một tổ chức thẩm định giá để định giá về giá trong việc xây cổng đó. Chi phí thẩm định này do Tổ chức thẩm định giá này quy định.

 

Nếu bạn làm đơn khởi kiện thì khi đó bạn có tư cách là nguyên đơn, theo quy định tại BLTTDS 2015 và danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án (Ban hành kèm theo Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27 tháng 02 năm 2009) thì bạn phải nộp tiền tạm ứng án phí với mức là 200 000 đồng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tranh chấp về kinh phí khi xây dựng cổng đi chung. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Vũ Thị Yến – Công ty luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo