LS Vy Huyền

Tranh chấp về hợp đồng vay tài sản thì phải làm thế nào?

Chào luật sư,em xin được trình bày vấn đề của mình và mong được luật sư tư vấn giúp.Ngày 15/1 năm 2017 em có viết giấy biên nhận Tôi có nhận số tiền của anh B số tiền 15 triệu đồng với nội dung là hùn vốn mua bia để bán dịp tết và có ghi là 15/2/2017 sẽ trả cả vốn lẫn lãi tổng số tiền là 18.750.000 đ.Và cuối giấy có ghi rõ là giấy này có hiệu lực khi tài khoản em nhận được tiền...

 Tuy nhiên em ko dùng số tiền đó để buôn bán bia như trong giấy biên nhận mà dùng số tiền đó và thêm tích lũy của mình để kinh doanh việc khác có lợi hơn. Đến ngày 9/2/2017 em xuống thành phố làm lại và có liên lạc với bạn ấy để trả lại số tiền như đã hẹn. Tuy nhiên bạn em đi công tác ở ngoài Hà Nội vì thế nên hẹn cuối tuần sau gặp nhau. Và hôm 22/2/2017 chúng em có gặp nhau và em bảo bạn em nhắn lại số tài khoản cho em để em chuyển khoản cho bạn ấy. Bạn ấy bảo là cứ từ từ cũng được tại bạn em chưa cần sử dụng số tiền đó. VÌ thế em dùng số tiền đó làm vào việc khác. đến ngày hôm qua 29/2/2017 bạn em bảo cần số tiền gấp để làm việc và bảo em trả ngay số tiền đó vì bạn em nghĩ là em lừa đảo bạn em số tiền đó. VÌ hơi gấp nên em bảo hẹn lại ngày mai tức là ngày 1/3 để em xoay xở rồi bạn em gửi lại. Nhưng bạn em không đồng ý và đến chỗ phòng trọ của em làm ầm ĩ lên. Vì  không muốn phiền hà Chủ nhà nên lúc đó em không báo công an và bảo bạn em về đi rồi sáng mai cùng em đến chỗ làm rồi em lấy tiền em trả cho, không thì tối ở lại cùng e rồi ngày mai cả hai cùng đi cũng được. Bạn em ko đồng ý và đã đánh em hai cái vào mặt và đá em một cái và đòi lôi em ra công an phường giải quyết. Sau có sự can thiệp của chủ Nhà nên bạn e mới hậm hực ra về. Bạn em đã tự ý lấy Ví của em và lấy cả giấy CMND và cả giấy tờ xe, chìa khóa xe và cả điện thoại di động của em. Và quá đáng hơn là bạn em lấy điện thoại của em và lục số điện thoại của gia đình em gọi về trên đó và uy hiếp với gia đình là bạn em sẽ giết em. Mẹ em do bị ảnh hưởng của một vụ tai nạn giao thông và bị chấn thương sọ não khá nặng cho đến nay tình trạng sức khỏe ko được tốt và nhất là không chịu được những cú sôc. Vì thế sáng nay lúc bạn em lại gọi về trên uy hiếp mẹ em bị tái phát phải nhập viện.  VÌ thế em viết email này mong được luật sư giup đỡ: Thứ nhất với tình huống trên về mặt trách nhiệm của bản thân em là gì? em có phải bị câu lưu không khi cả hai đưa nhau ra phường làm việc.Thứ 2 việc làm của bạn em đã vi phạm pháp luật hay chưa?  Và nếu việc bạn em cứ lấy điện thoại của em gọi vào các số trong danh bạ điện thoại của em để phá rối thì em cần phải làm gì để chấm dứt việc đó. Vì sáng nay em đã liên lạc và yêu cầu bạn ấy trả chứng minh và điện thoại cũng như là chìa khóa xe để em đi lại làm việc cũng như để em xoay xở tiền trả lại cho bạn ấy trong ngay hôm nay. Nhưng bạn ấy không chịu trả lại còn uy hiếp và đe dọa thuê giang hồ xử em. Nêu em cần nhờ cơ quan công an can thiệp thì phải trình báo ở địa phương nào?Rất mong được nhận được sự trả lời của luật sư. Em xin cám ơn.

 

Trả lời:   Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia,với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, theo quy định tại điều 463 Bộ luật dân sự 2015 về hợp đồng vay tài sản:

 

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

 

Theo đó, các bên trong hợp đồng vay tài sản có quyền thỏa thuận về lãi suất,tuy nhiên lãi suất không được quá 20%/năm của khoản tiền vay.

 

Trong trường hợp trên lãi suất vay trong hợp đồng vay tài sản giữa bạn và anh B là vượt quá lãi suất do pháp luật quy định, (khoảng 120%/năm) .Do đó, phần lãi suất vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản khoản 1 điều 468 Bộ luật dân sự  thì mức lãi suất vượt quá không được pháp luật thừa nhận.

 

Về nghĩa vụ trả nợ của bên vay được quy định tại điều 466 như sau:

 

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Theo quy định trên thì bạn có nghĩa vụ phải trả đủ số tiền cho anh B khi đến hạn, nếu hai bên có thỏa thuận khác thì nghĩa vụ trả nợ được thực hiện theo thỏa thuận của các bên. Như vậy,bạn có trách nhiệm phải trả nợ cho anh B theo thỏa thuận mà bạn và anh B đã thỏa thuận trước đó.­

 

Thứ hai, việc anh B đến phòng đòi nợ và có hành vi cố ý gây thương tích với bạn  là trái với quy định của pháp luật. Theo đó,trong trường hợp này do anh B và bạn không thỏa thuận cụ thể về thời hạn trả nợ nên nếu anh B muốn yêu cầu bạn trả nợ thì phải thông báo cho bạn một thời gian hợp lý về việc thanh toán số tiền vay nợ cũng như lãi suất vay nợ. Và việc anh B  có hành vi đánh vào mặt bạn,đá bạn nếu như có thương tích xảy ra thì có thể bị truy cứu  trách nhiệm hình sự theo điều 104 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 .Tùy vào mức độ thương tích của bạn mà anh B có thể chịu mức hình phạt tương ứng.

 

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật  từ  61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

 

Thứ ba, việc anh B tự ý lấy tài sản của bạn mà chưa được sự cho phép của bạn thì trong trường hợp này anh B có thể bị truy cứu về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 137 Bộ luật hình sự, cụ thể:

 

Điều 137. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Hành hung để tẩu thoát;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

c)  Tái phạm nguy hiểm;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở  lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ  năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

 

Đồng thời,bên cạnh hành vi chiếm đoạt tài sản của bạn anh B còn có hành vi dùng điện thoại của bạn gọi cho người thân đe đọa sẽ giết bạn,hành vi trên là trái quy định của pháp luật.Tuy nhiên,vì hành vi của anh B chỉ có tính chất đe dọa nhưng chưa có căn cứ để tin rằng hành vi giết người sẽ xảy ra nên trong trường hợp này chưa đủ căn cứ để cấu thành tội phạm.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng !

CV Thúy Vân – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo