Vũ Thanh Thủy

Tranh chấp về chia di sản thừa kế đối với con riêng của chồng

Luật sư tư vấn về quyền hưởng di sản thừa kế và quy định về việc phân chia di sản thửa kế khi người chồng có con riêng. Cụ thể như sau:

 

Xin chào Công ty Luật Minh Gia tôi có câu hỏi muốn nhận được tư vấn của công ty:

+ Bố me tôi có 5 người con gái. Hiện nay 5 người con gái đã lớn đủ tuổi trưởng thành và 3 ng con đã xây dựng gia đình. Bố tôi có một ng còn riêng năm nay 13 tuổi. Năm nay 2017 bố tôi muốn đón con riêng về chung sống với bố mẹ và 2 em còn lại của tôi. Mẹ tôi không đồng ý vì mẹ tôi vất vả làm việc xây nhà đồng thời phải trả nhiều nợ cho bố tôi. Tuy nhiên mảnh đất hiện nay bố mẹ tôi sinh sống là do ông bà nội để lại nên bố tôi sinh sự hay đánh mẹ tôi bắt bà đồng ý cho ông đón con riêng về ở. Chúng tôi đã họp gia đình và yêu cầu đưa ra pháp luật về hành vi bạo lực gia đình của bố tôi . Hiện nay bố tôi đã biết lỗi và muốn mẹ tôi đón con riêng của bố tôi về nuôi với điều kiện mọi tài sản do mẹ tôi quyết định. Mẹ tôi đồng ý nhưng chúng tôi băn khoăn phương án làm thế nào để sau này con riêng của bố tôi sẽ không được hưởng tài sản chung của gia đình tôi vì hiện nay gia đình tôi có 5 mảnh đất và 1 ngôi nhà 2 tầng.- XIn quý công ty tư vấn cho gia đình tôi cách giải quyết hợp lý nhất?+ Xin hỏi:  bố tôi đồng ý viết bản cam kết là mọi tài sản trong gia đình sau này nếu có xảy ra tranh chấp thì đều do mẹ tôi và 5 người con quyết định còn bố tôi sẽ không được trao quyền thừa kế lại cho con riêng của mình thì bản cam kết đó có hiệu lực không. Nếu muốn bản cam kết có hiệu lực thì phải làm như nào cho đúng và được công nhận? + XIn hỏi: Nếu người có con riêng với bố tôi có viết bản cam kết là không có khả năng nuôi con và trao lại quyền nuôi con cho bố mẹ tôi và đồng thời cam kết sau này con mình sẽ không quyền hưởng và tranh chấp tài sản trong gia đình tôi, trừ khi được sự đồng ý của mẹ tôi cho tài sản thì bản cam kết đó có hiệu lực không?XIn chân thành cảm ơn và mong nhận được phản hồi từ quý công ty.

+ Bố me tôi có 5 người con gái. Hiện nay 5 người con gái đã lớn đủ tuổi trưởng thành và 3 người con đã xây dựng gia đình. Bố tôi có một người con riêng năm nay 13 tuổi. Năm nay 2017 bố tôi muốn đón con riêng về chung sống với bố mẹ và 2 em còn lại của tôi. Mẹ tôi không đồng ý vì mẹ tôi vất vả làm việc xây nhà đồng thời phải trả nhiều nợ cho bố tôi. Tuy nhiên mảnh đất hiện nay bố mẹ tôi sinh sống là do ông bà nội để lại nên bố tôi sinh sự hay đánh mẹ tôi bắt bà đồng ý cho ông đón con riêng về ở. Chúng tôi đã họp gia đình và yêu cầu đưa ra pháp luật về hành vi bạo lực gia đình của bố tôi . Hiện nay bố tôi đã biết lỗi và muốn mẹ tôi đón con riêng của bố tôi về nuôi với điều kiện mọi tài sản do mẹ tôi quyết định. Mẹ tôi đồng ý nhưng chúng tôi băn khoăn phương án làm thế nào để sau này con riêng của bố tôi sẽ không được hưởng tài sản chung của gia đình tôi vì hiện nay gia đình tôi có 5 mảnh đất và 1 ngôi nhà 2 tầng.- Xin quý công ty tư vấn cho gia đình tôi cách giải quyết hợp lý nhất?

+ Xin hỏi:  bố tôi đồng ý viết bản cam kết là mọi tài sản trong gia đình sau này nếu có xảy ra tranh chấp thì đều do mẹ tôi và 5 người con quyết định còn bố tôi sẽ không được trao quyền thừa kế lại cho con riêng của mình thì bản cam kết đó có hiệu lực không. Nếu muốn bản cam kết có hiệu lực thì phải làm như nào cho đúng và được công nhận?

+ Xin hỏi: Nếu người có con riêng với bố tôi có viết bản cam kết là không có khả năng nuôi con và trao lại quyền nuôi con cho bố mẹ tôi và đồng thời cam kết sau này con mình sẽ không quyền hưởng và tranh chấp tài sản trong gia đình tôi, trừ khi được sự đồng ý của mẹ tôi cho tài sản thì bản cam kết đó có hiệu lực không?Xin chân thành cảm ơn và mong nhận được phản hồi từ quý công ty.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, Xác định khối tài sản trên thuộc tài sản chung hay là tài sản riêng và vấn đề chi di sản thừa kế?

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì chúng tôi xác định 5 mảnh đất và 1 ngôi nhà hai tầng trên thuộc tài sản chung của bố mẹ bạn.

 

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì:

 

“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

 

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”

 

Bố mẹ bạn vẫn đang trong thời kỳ hôn nhân và nếu không có thỏa thuận về vấn đề chia tài sản chung thì khối tài sản đó sẽ được xác định là tài sản chung của hai người. Theo nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng được ghi nhận tại khoản 1 Điều 29 Luật hôn nhân và gia định 2014 ( Luật HNGĐ) thì “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.” Do đó, bố bạn cũng hoàn toàn có quyền định đoạt đối với khối tài sản này.

 

+Trường hợp 1: Bố bạn mất và có để lại di chúc định đoạt số tài sản trên

 

Căn cứ theo khoản 2 Điều 66 Luật HNGĐ 2014 : “Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.”

Theo đó thì khối tài sản bao gồm 5 mảnh đất và 1 ngôi nhà 2 tầng sẽ được chia đôi cho cả hai. Sau đó phần di sản của bố bạn sẽ được chia thừa kế theo di chúc, trong trường hợp di chúc nêu rõ người hưởng di sản thừa kế là người con riêng của bố bạn thì người đó hoàn toàn có căn cứ để hưởng số tài sản trên theo quy định tại Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 ( BLDS).

Tuy nhiên, pháp luật còn có quy định về các trường hợp vẫn được nhận di sản thừa kế tối thiểu bằng 2/3 suất mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc tại Điều 644 BLDS 2015:

 

"1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

 

2. Con thành niên mà không có khả năng lao động."

 

+Trường hợp 2: Bố bạn mất và không để lại di chúc.

 

Nếu bố bạn mất và không để lại di chúc thì về nguyên tắc thì khối tài sản chung vẫn sẽ chia đôi cho cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, phần di sản trên sẽ được chia theo quy định của pháp luật theo điều 651 BLDS 2015.

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

...

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

...”

Theo quy định của luật thì "con đẻ” ở đây bao gồm con chung, con riêng đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên người con riêng vẫn có quyền hưởng số di sản trên.

 

Thứ hai, Việc thỏa thuận của bố bạn với mẹ và các thành viên còn lại trong gia đình về vấn đề định đoạt khối tài sản trên và phương án giải quyết

 

Theo như phân tích ở trên thì 5 mảnh đất và 1 ngôi nhà 2 tầng là tài sản chung của hai người nên cả hai đều có quyền định đoạt số tài sản trên. Tuy nhiên, bố bạn đã đồng ý trao quyền định đoạt số tài sản trên cho mẹ bạn và những thành viên còn lại trong gia đình. Vấn đề đặt ra ở đây là làm cách nào đảm bảo tốt lợi ích cho mẹ bạn?

 

5 mảnh đất và 1 ngôi nhà 2 tầng thuộc tài sản là bất động sản hay nói cách khác đây là những tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và đây là số tài sản trên đều thuộc sở hữu chung của bố mẹ bạn theo quy định tại Điều 213 BLDS 2015, trừ trường hợp cả hai có thỏa thuận khác. Nếu mẹ và các thành viên trong gia đình bạn không muốn mai sau người con riêng của bố mình được hưởng số tài sản mà mẹ bạn đã cố gắng vất vả làm ra thì Luật Minh Gia chúng tôi xin được đưa ra các phương án sau:

 

+ Bố và mẹ bạn có thể ký kết hợp đồng tặng cho tài sản theo Điều 457 BLDS 2015: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận”. Vì mảnh đất và ngôi nhà đều là bất động sản thì theo quy định của pháp luật thì việc tặng cho bất động sản trên phải lập thành văn bản và phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký quyền sở hữu đối với mảnh đất và ngôi nhà. Như vậy, khi bố bạn đồng ý ký kết hợp đồng tặng cho tài sản cho mẹ bạn thì hợp đồng trên sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Kể từ thời điểm đăng ký thì mẹ bạn sẽ là chủ sở hữu toàn bộ số tài sản là mảnh đất và ngôi nhà và chỉ mẹ bạn mới có quyền định đoạt tài sản trên.

 

+ Bố mẹ bạn sẽ tiến hành lập di chúc chung, theo đó Điều 28 Luật HNGĐ 2014 quy định “ vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung”. Chính vì vậy, tài sản chung của vợ, chồng có thể cùng nhau định đoạt trong di chúc chung, điều này được pháp luật bảo vệ và tôn trọng. Do đó, khi bố mẹ bạn sẽ lập di chúc chung thì trong nội dung cần nêu rõ những người sẽ được hưởng di sản. Để đảm bảo chắc chắn thì bản di chúc trên nên mang đi công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý quy định tại Điều 644 BLDS 2015.

 

Thứ ba, về cam kết của người có con riêng với bố bạn về vấn đề trao quyền nuôi con cho mẹ bạn và hứa con mình sẽ không tranh chấp tài sản

 

Việc mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi được pháp luật Việt Nam hiện hành cho phép và ưu tiên lựa chọn (điểm a Khoản 1 Điều 5 Luật Nuôi con nuôi 2010). Trong trường hợp này, mẹ bạn cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 bao gồm :

 

“a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

 

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

 

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

 

d) Có tư cách đạo đức tốt.”

 

Ngoài ra theo Điều 21 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định việc mẹ bạn nhận nuôi người con riêng đấy cần phải có sự đồng ý của mẹ đứa trẻ và đứa trẻ nếu đứa trẻ đó đủ 9 tuổi trở lên. Theo như bạn trình bày người con riêng đã 13 tuổi thì ngoài việc mẹ của đứa trẻ đồng ý thì cũng cần phải có sự đồng ý của người con riêng.Tuy nhiên sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

 

Hơn nữa việc yêu cầu người có con cam kết rằng người con riêng đó sẽ không tranh chấp tài sản là không có căn cứ. Người con riêng 13 tuổi là người chưa thành niên nên mẹ của đứa trẻ sẽ là người đại diện theo pháp luật. Căn cứ vào Khoản 1, 2 Điều 141 BLDS 2015 nêu rõ :

 

“1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:

 

a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

...

c) Nội dung ủy quyền;

 

d) Quy định khác của pháp luật.

 

2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

 

Như vậy, người có con riêng chỉ được xác lập các giao dịch dân sự nhưng phải xuất phát từ lợi ích của người con đó. Việc người mẹ cam kết mai sau người con không tranh chấp tài sản đã xâm phạm vào lợi ích của đứa bé về quyền được hưởng di sản thừa kế nên thỏa thuận đấy không được pháp luật công nhận.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Đào Thị Trà- Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo