Hoàng Tuấn Anh

Tranh chấp thừa kế sau ly hôn xử lý thế nào?

Tôi đang ở trên mảnh đất mà bố mẹ tôi cho lúc vợ chồng tôi ra ở riêng năm 1983, ước tính khoảng 170m2 nối liền với nhà bố mẹ tôi. Đến năm 1987 vợ chồng chúng tôi ly hôn theo quyết định của toà án, tôi được quyền sử dụng toàn bộ tài sản và nhà ở gắn liền với đất đai và tôi có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền theo thoả thuận đã xong.

... Năm 1985 bố tôi qua đời, năm 1998 mẹ tôi cũng qua đời trong lúc tôi đang đi làm ăn xa từ năm 1996. Năm 2001 tôi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố mẹ và tôi 2 mảnh gộp lại, tuy nhiên tôi không khai và yêu cầu làm bìa, vậy ai là người yêu cầu làm bìa và giao quyền thừa kế cho tôi chắc đó là mẹ tôi. Từ đó đến nay tôi đều công khai cho mọi người đều biết để vay mượn cầm cố (ông bà nội tôi là trưởng tộc có 6 người con mà bố tôi là con trai trưởng. Sau khi ông bà tôi mất thì giao lại quyền thừa kế cho bố tôi. Bố mẹ tôi có 8 người con, đều có gia đình ở nơi khác, riêng tôi là con trai trưởng có nhiệm vụ  thừa kế trưởng tộc để hương hoả cho gia tiên nơi mà bố mẹ tôi vừa ở vừa làm từ đường, cho đến năm 2016 không ai kiện cáo gì. Đến đầu năm 2017 thì tôi nhận được đơn kiện của 3 trong số 8 anh em chúng tôi với nội dung yêu cầu chia quyền thừa kế). Vậy tôi đã hợp pháp thừa kế hay chưa với phần đất ở cũ mà bố mẹ tôi cho hồi bố mẹ tôi còn sống ? Mong sự giải đáp của luật sư. Tôi xin cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau.

 

Do bố mẹ bạn mất khi bộ luật dân sự 1995 đang có hiệu lực nên di chúc được xác lập tại thời điểm đó sẽ tuân theo pháp luật dân sự 1995.

 

Điều 655 luật dân sự 1995 quy định về di chúc hợp pháp như sau:

 

“1- Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

 

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

 

2- Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

 

3- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

 

4- Di chúc bằng văn bản không có chứng nhận, chứng thực như quy định tại Điều 660 của Bộ luật này chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.”

 

Khoản 1 điều 668 luật dân sự 1995 quy định gửi giữ di chúc như sau:

 

“Người lập di chúc có thể yêu cầu Công chứng nhà nước lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc.”

 

Như vậy theo quy định trên bố mẹ bạn có quyền lập di chúc và gửi giữ di chúc. Tuy nhiên bạn cần phải xác định lại di chúc bạn nhận được có đúng của bố mẹ bạn để lại không? Di chúc được thành lập có hợp pháp hay không?

 

Tại thời điểm xảy ra tranh chấp bộ luật dân sự 2015 đã có hiệu lực nên sẽ được áp dụng. Về thời hiệu chia thừa kế được xác định như sau:

 

“Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1.Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó…”

 

Theo quy định trên anh em bạn vẫn có quyền kiện đòi chia thừa kế mảnh đất vì chưa hết thời hạn 30 năm. Do bạn không nêu rõ nên chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn theo hai trường hợp.

 

Trường hợp 1: di chúc hợp pháp.

 

“Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng

 

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

 

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng…”

Ngôi nhà bố mẹ bạn để lại dùng vào việc thờ cúng không được chia thừa kế và anh em bạn không có quyền kiện đòi chia thừa kế. Trong di chúc nếu bố mẹ bạn chỉ định bạn con trưởng quyền quản lý thờ cúng thì bạn phải thực hiện nghĩa vụ đó. Phần ngôi nhà trước đây bạn được bố mẹ cho nếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bạn thì anh em bạn không có quyền kiện đòi phần đất đó. Nếu giấy chứng nhận vẫn do bố mẹ bạn đứng tên anh em bạn có thể kiện đòi theo quy định sau nếu không có khả năng lao động.

 

“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

 

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

 

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

 

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

 

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”

 

Trường hợp 2: di chúc không hợp pháp

 

Nếu di chúc bố mẹ bạn để lại không hợp pháp thì anh em bạn có thể thỏa thuận toàn bộ ngôi nhà bố mẹ để lại dùng vào việc thờ cúng và đồng nghĩa với việc ngôi nhà đó không đem chia thừa kế được. Hoặc thỏa thuận một phần ngôi nhà dùng cho việc thờ cúng, phần còn lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Về người quản lý di sản thờ cúng có thể cử ra một trong số những người thừa kế thực hiện nghĩa vụ đó. Nếu không thể thỏa thuận được gia đình bạn có thể yêu cầu tòa án giải quyết. Căn cứ vào mục đích sử dụng và tình trạng đang sử dụng và nguyện vọng của các bên khi chia di sản thừa kế Tòa án sẽ xem xét đến yêu cầu chia di sản. Khi đó, các bên phải tuân theo quyết định của Tòa án.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng !

CV: Mỹ Hạnh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo