Vũ Thanh Thủy

Tranh chấp nhà đất cha mẹ đã cho con

Câu hỏi: Kính gửi Quý cơ quan cho tôi hỏi về vấn đề giải quyết tranh chấp nhà đất cha mẹ đã tặng cho: Tôi đã có thư hỏi quý cơ quan luật về trường hợp tranh chấp đất đai , nay tôi muốn hỏi thêm những vấn đề liên quan đến luật hôn nhân và gia đình như sau: Tôi đã hỏi về trường hợp mẹ tôi và anh chị em trong nhà đã họp và ra biên bản họp gia đình về việc giao đất và tài sản gắn liền với đất cho vợ chồng em trai tôi, mảnh đất đó nay đã được làm sổ đỏ đất đứng tên vợ chồng đứa em trai.

 

Trong cuộc họp có đưa ra điều kiện là nơi đó vẫn là nơi mẹ tôi sống cùng vợ chồng em trai tôi những năm cuối của cuộc đời, nơi tập trung anh em, con cháu trong gia đình và dòng họ trong những ngày cúng giỗ tổ tiên và gia tộc. Tuy nhiên vì tin tưởng nên các điều kiện này không được ghi trong biên bản vì tin tưởng, thương yêu vợ chồng em và các cháu. Tuy nhiên ngay sau khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm xong thì cô em dâu sinh sự , đuổi mẹ chúng tôi ( năm nay đã 91 tuổi) không nuôi dưỡng và không cho ở chung mặc dù mẹ tôi trước đó cũng có nhà nhưng sau thời gian các em về ở đã phá đi và xây lại. đồng thời cũng đuổi luôn tất cả anh chị em khác trong gia đình. Xin được hỏi quý cơ quan: - Về luật, mẹ tôi từ trước đến nay cùng hộ khẩu với vợ chồng em trai, đất đai là của tổ tiên để lại từ lâu đời, theo luật thì mẹ tôi có thể đòi được cả hoặc một phần đất để chúng tôi làm nhà khác cho mẹ tôi và làm nơi thờ cúng tổ tiên sau này khi mẹ tôi mất đi không? - Luật hôn nhân và gia đình có điểm nào tư vấn cho mẹ tôi có quyền làm nhà khác trên mảnh đất đã nêu trên không? - Xin quý cơ quan tư vấn giúp mẹ tôi giải quyết và đòi lại quyền lợi chính đáng của mình . Xin trân trọng cám ơn.

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, chúng tôi đưa ra tư vấn cho bạn như sau:

 

Theo như bạn cung cấp thì trường hợp của bạn nguồn gốc là do tổ tiên để lại, mẹ và anh chị em trong gia đình bạn đã họp và ra biên bản thỏa thuận giao cho em trai bạn và đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất đứng tên em trai bạn. Do đó, mẹ bạn chỉ có thể đòi lại tài sản đã tặng cho trong trường hợp là tặng cho tài sản có điều kiện và bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ sau khi được tặng cho.

 

Điều 462 BLDS 2015 quy định về tặng cho có điều kiện:

 

 Điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện

 

1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

 

2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

 

3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

Trong cuộc họp gia đình về giao đất cho em bạn có đưa ra điều kiện là nơi đó vẫn là nơi mẹ bạn sống cùng vợ chồng em trai bạn những năm cuối của cuộc đời, nơi tập trung anh em, con cháu trong gia đình và dòng họ trong những ngày cúng giỗ tổ tiên và gia tộc nhưng vì tin tưởng nên các điều kiện này không được ghi trong biên bản.

 

Để xác định trường hợp của gia đình bạn thỏa thuận giao đất cho em trai bạn có phải là tặng cho có điều kiện không thì cần có những chứng cứ chứng minh về sự tồn tại của điều kiện đó, ví dụ như ngoài những thành viên trong gia đình có ai tham gia trong buổi họp gia đình để đứng ra làm chứng không…

 

Nếu như có bằng chứng chứng minh được về điều kiện tặng cho thì việc em dâu bạn đuổi mẹ bạn ra không cho mẹ bạn ở được coi là không thực hiện nghĩa vụ sau khi được tặng cho và mẹ bạn có thể đòi lại tài sản đã cho em bạn.

 

Nếu không chứng minh được sự tồn tại của điều kiện tặng cho thì trường hợp này chỉ được coi là hợp đồng tặng cho thông thường. Theo quy định tại Điều 459 về tặng cho bất động sản:

 

Điều 459. Tặng cho bất động sản

 

1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

 

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản. 

 

Theo quy định tại Luật đất đai 2013 và BLDS thì hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng chứng thực. Nếu biên bản thỏa thuận cho đất và nhà cho em bạn không được công chứng, chứng thực thì có thể bị tuyên bố giao dịch vô hiệu về mặt hình thức (Điều 134 BLDS). Theo Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

 

Điều 132. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

 

1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:

 

a) Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;

 

b) Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;

 

c) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;

 

d) Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;

 

đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

 

Nếu trường hợp của bạn vẫn trong thời hạn trên và hiện tại gia đình bạn đang có tranh chấp liên quan đến hợp đồng này thì mẹ bạn hoặc anh chị em bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Nếu Tòa án tuyên bố vô hiệu thì hai bên có nghĩa vụ trả lại những gì đã nhận, nên mẹ bạn có thể đòi lại nhà.

 

Trường hợp việc tặng cho đã hoàn tất, việc chuyển quyền sở hữu đã xong, và không còn thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu thì tài sản đã thuộc về người được tặng cho, người tặng cho không thể đòi lại.

 

Việc em dâu bạn có hành vi đuổi mẹ bạn (năm nay đã 91 tuổi) không nuôi dưỡng và không cho ở chung được xác định là nghĩa vụ giữa con đối với cha mẹ theo Luật Hôn nhân gia đình, cụ thể:

 

- Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

 

- Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ.

 

Như vậy, nếu em dâu bạn có những hành vi vi phạm những nghĩa vụ như trên nêu thì mẹ bạn hoặc anh chị em bạn có thể báo sự việc lên UBND phường (xã) để nơi này lập biên bản vụ việc. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, phạt cải tạo không giam giữ hoặc nghiêm trọng hơn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này thì có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 49 Nghị định 167/2013/ND- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về xử phạt hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau

:

"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

 

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

 

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

 

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này."

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tranh chấp nhà đất cha mẹ đã cho con. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Dương Xuân - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo