LS Trần Liên

Tranh chấp khi ủy quyền quản lí di sản thừa kế cho một người khác

Trường hợp các anh em trong gia đình ủy quyền cho người em út quản lí di sản thừa kế do cha mẹ để lại. Nay muốn chia một phần di sản đó để phục vụ việc thờ cúng.

Nội dung câu hỏi:

Luật sư cho tôi hỏi. Sau khi cha mẹ tôi chết, anh chị em tôi có đồng ý ủy quyền cho đứa em út thừa kế 2 thửa đất, đất vườn 1166m2, đất thổ 683m2, có nhà cấp 4 và mồ mã cha mẹ chôn ở thửa đất thổ không có tách riêng phần đất làm mồ mã ra. Hiện nay đứa em út đã chuyển nhượng hết đất cho đứa cháu, tôi có làm đơn tranh chấp yêu cầu cắt phần đất có chừa mồ mã cha mẹ ra là nơi lập nghĩa cho gia đình sau này và chừa lối đi ngang 3m nhưng ủy ban xã hòa giải không thành tôi đã làm đơn tiếp tục khởi kiện, theo yêu cầu của tôi như vậy có được tòa án chấp thuận không và phải giải quyết như thế nào. Khi làm đơn khời kiện tôi có cần ghi tên tất cả anh em vào đơn khởi kiện không.    

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 

Trước tiên, 2 thửa đất, đất vườn 1166m2, đất thổ 683m2 là di sản thừa kế của bố mẹ để lại nhưng không có di chúc. Vậy nên, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất(Gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết) sẽ được chia đều. Do đó, các anh em của bạn là đồng thừa kế tài sản chung đó.

Vì bạn nêu thông tin không rõ ràng nên chúng tôi chia hai trường hợp sau:

-Trường hợp 1: Tất cả những người đồng thừa kế đã thực hiện thỏa thuận phân chia di sản xong và thỏa thuận cho một mình người em út thừa kế toàn bộ di sản do bố mẹ để lại. Đối với trường hợp này, quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền trên đất thuộc về người em út.Vì vậy mà những người còn lại sẽ khó có thể đòi lại phần đất có mồ mả và lối đi chung trừ trường hợp người em đồng ý.

-Trường hợp 2: Những người đồng thừa kế chỉ thực hiện ủy quyền cho người em út sử dụng và quản lí di sản thừa kế:Bản chất giấy ủy quyền/hợp đồng ủy quyền  không được xem là một hợp đồng tặng cho tài sản vì hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng, còn uỷ quyền chỉ là sự thoả thuận giữa các bên, và bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền mà thôi, còn quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về bên ủy quyền.

+ Thời hạn ủy quyền

Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định tại Điều 563 về thời hạn uỷ quyền như sau:

Điều 563. Thời hạn ủy quyền

 

Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Theo quy định pháp luật, thời hạn uỷ quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc uỷ quyền.

Các đồng thừa kế đã ủy quyền cho người em út sử dụng và quản lí phần di sản do cha mẹ để lại. Vì bạn không nêu rõ việc ủy quyền trong bao lâu nên chúng tôi không thể xác định được thời hạn ủy quyền. Nếu trong văn bản ủy quyền không ghi thời hạn thì thời hạn ủy quyền chỉ có hiệu lực trong vòng 1 năm. Như vây, đến thời điểm hiện nay việc ủy quyền của mẹ bạn đã không còn giá trị pháp lý.
 

+Về việc ủy quyền lại
 

Bộ luật dân sự năm 2005 - Điều 583. Uỷ quyền lại

Điều 564. Ủy quyền lại

 

1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:

 

a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;

 

b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.

 

2. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.

 

3. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.

 
Theo đó, nếu bên được ủy quyền muốn ủy quyền cho người thứ 3 thì buộc phải có sự đồng ý của bên ủy quyền và công việc ủy quyền không quá phạm vi ủy quyền ban đầu.

Như vậy, sau khi những người đồng thừa kế ủy quyền cho người em út quản lí tài sản do cha mẹ để lại và người này thực hiện chuyển quyền sở hữu cho con của họ thì phải có sự đồng ý của những đồng thừa kế còn lại. Vì vậy, nếu việc chuyển quyền sử dụng đất và nhà ở này không có sự đồng ý của các đồng thừa kế còn lại thì việc chuyển nhượng là trái với quy định của pháp luật.
 

+Việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền
 

Bộ luật dân sự năm 2015- Điều 569 có quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng uỷ quyền

Điều 569. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền

 

1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

 

Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

 

2. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.


Theo đó, đối với các trường hợp ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng và phải báo trước cho bên được ủy quyền biết trong khoảng thời gian hợp lí.

Như vậy, tất cả các đồng thừa kế (các anh em trong gia đình) có thể đơn phương chấm dứt việc ủy quyền cho người em út đó và thực hiện thỏa thuận với nhau về việc chia phần di sản do cha mẹ để lại.

Để giải quyết vấn đề, gia đình bạn có thể gửi đơn khởi kiện lên Tòa án yêu cầu kiện đòi tài sản và phân chia di sản thừa kế. Đơn khởi kiện có thể thể hiện thông  tin của đương sự những người có yêu cầu giải quyết tranh chấp, do đó bạn có thể thể hiện tên những người anh em trong gia đình có yêu cầu đòi tài sản với tư cách là nguyên đơn, những người anh em không có yêu cầu đòi tài sản không cần thể hiện trong đơn khởi kiện với tư cách nguyên đơn nhưng có thể được đề cập đến khi trình bày sự việc, khi tiến hành tố tụng, tư cách tố tụng của họ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tranh chấp khi ủy quyền quản lí di sản thừa kế cho một người khác. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn dân sự trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Cv. Trần Liên - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo