Hoàng Thị Nhàn

Tranh chấp di sản thừa kế do bố mẹ để lại

Luật sư cho hỏi: Ông bà nội tôi có nói với ba mẹ tôi rằng con (ba tôi) là con trai út nên sống cùng với ba mẹ trong ngôi nhà chứ không làm thêm chi, đất đai ba mẹ ( ông bà nội) đã cho các anh con hết rồi chỉ còn con thì sống và sử dụng trên mảnh vườn này. ​Mẹ tôi ưng ba tôi và về làm dâu bên nhà chồng từ năm 1981, thời gian nầy ba mẹ tôi cùng sống với ông bà nội tôi cùng trên một mãnh đất vườn 3540m2.

 

Ông bà nội tôi có nói với ba mẹ tôi rằng con (ba tôi) là con trai út nên sống cùng với ba mẹ trong ngôi nhà chứ không làm thêm chi, đất đai ba mẹ ( ông bà nội) đã cho các anh con hết rồi chỉ còn con thì sống và sử dụng trên mãnh vườn nầy. Tất cả chỉ nói cho bằng miệng chứ không có giấy tờ. Nhưng ba mẹ tôi nói rằng sau nầy con cháu đông còn về thờ cúng ông bà nên ba mẹ tôi không chịu ở chung mà ba mẹ tôi có làm một ngồi nhà riêng từ năm 1983 bằng nhà tranh vách đất. Năm 1986 ông nội tôi mất không để lại di chúc. Đến năm 1988 ba mẹ tôi có làm lại nhà và các công trình phụ bằng găch và xi măng khoảng kiên cố đến thời điểm này diện tích khoản 500m2. Năm 1998 được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nghị định 64. cấp giấy lần đầu mang tên chủ hộ là Ba tôi. Năm 2000 có con của bác tôi về tự ý đập phá nhà của ông bà tôi để làm lại mới, trong khi đó gia đình tôi không đồng ý cũng như gửi đơn đến cơ quan chức năng vì thiếu hiểu biết về pháp luật và lúc đó ba tôi cũng bị bệnh. Năm 2007 ba tôi chết cũng không để lại di chúc. Năm 2010 mệ tôi đã làm thủ tục chuyển quyền sở hữu từ tên ba tôi thành mẹ tôi và được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2013 bà nội tôi mất cũng không để lại di chúc. Năm 2014 mẹ tôi có làm nhà cho tôi nhưng con của các bác tôi và cô tôi khiếu nại về việc chia tài sản 3540m2 của ông bà tôi là đúng hay sai. Trong khi đó nhà nước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 3540m2 cho hộ ba tôi từ năm 1998 đến thời điểm nầy gần 20 năm. Vậy tôi xin nhờ Luật sư hướng dẫn phúc đáp giúp tôi trường hợp nầy. Tôi chân thành cảm ơn quý Luật sư.

 

>> Hướng dẫn giải quyết tranh chấp thừa kế đất đai, gọi: 19006169

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề này chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ thông tin bạn đã cung cấp, mảnh đất 3540m2 đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông bà nội bạn; phần đất này đã được ông bà bạn tặng cho dưới hình thức miệng cho bố mẹ bạn. Ông bạn mất thời điểm năm 1986 không để lại di chúc và đến năm 1998 mảnh đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho bố bạn. Do đó, trường hợp của bạn sẽ được giải quyết như sau:

 

Vì ông bạn mất không để lại di chúc nên tài sản chung của ông bà bạn sẽ được chia đôi, một nửa thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà nội bạn, một nửa được chia thừa kế theo quy định của pháp luật. Và di sản này sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông nội bạn theo quy định tại Điều 25 Pháp lệnh thừa kế 1990 (vì thời điểm ông bạn mất chưa có văn bản điều chỉnh về vấn đề thừa kế nên áp dụng pháp lệnh thừa kế ở thời điểm sau này để tính thời hiệu chia di sản thừa kế và cách phân chia di sản thừa kế):

 

“Điều 25: Những người thừa kế theo pháp luật

 

1- Những người thừa kế theo pháp luật gồm có:

 

a) Hàng thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

 

b) Hàng thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết.

 

c) Hàng thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.

 

2- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản ngang nhau.

 

3- Trong trường hợp không có người thừa kế hàng thứ nhất hoặc những người thừa kế hàng thứ nhất đều không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản, thì những người thừa kế hàng thứ hai được hưởng di sản.

 

4- Trong trường hợp không có người thừa kế hàng thứ nhất và hàng thứ hai hoặc những người thừa kế thuộc cả hai hàng này đều không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản, thì những người thừa kế hàng thứ ba hưởng di sản.”

 

Như vậy, hàng thừa kế thứ nhất của ông nội bạn sẽ bao gồm bà nội, bố bạn và anh chị em của bố bạn. Do đó, toàn bộ phần đất mà bố bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có sự đồng ý của những người thừa kế khác là không có căn cứ pháp luật.

 

Năm 2007, bố bạn mất không để lại di chúc thì thời điểm này sẽ áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự 2005 để xác định hàng thừa kế và cách phân chia di sản thừa kế như sau:

 

Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

Như vậy, di sản mà bố bạn để lại bao gồm cả phần tài sản được thừa hưởng từ ông nội bạn được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn. Cụ thể: chia đều cho bà, mẹ bạn và các con.

 

Thời điểm 2013 bà nội bạn mất không để lại di chúc, di sản cũng được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nội theo quy định nêu trên. Di sản mà bà nội để lại sẽ bao gồm: phần tài sản trong khối tài sản chung của ông bà, phần di sản được thừa kế từ ông nội và phần di sản được thừa kế từ bố bạn.

 

Như vậy, nếu chưa tiến hành phân chia di sản thừa kế thì các bác, các cô bạn có quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Bởi lẽ vẫn còn thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo quy định tại Mục I Công văn số 01/GĐ-TANDTC giải đáp về một số vấn đề nghiệp vụ như sau:

 

“I. VỀ DÂN SỰ

 

Trường hợp người để lại di sản thừa kế chết trước năm 1987 mà hiện nay Tòa án mới thụ lý, giải quyết tranh chấp thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được xác định như thế nào?

 

Kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính thì từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự "Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.

 

Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990.

...”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tranh chấp di sản thừa kế do bố mẹ để lại. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Lê Minh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo