LS Vy Huyền

Tranh chấp đất đai sau khi bà ngoại mất

Luật sư tư vấn đối với trường hợp bà ngoại trước khi mất đã ủy quyền sử dụng đất cho con gái nhưng sau khi bà mất có tranh chấp xảy ra thì giải quyết thế nào? Nội dung tư vấn như sau:

Câu hỏi: Dạ kính chào luật sư!  Hôm nay em gửi mail cho luật sư mong luật sư tư vấn giúp em một việc như sau:  Bà Ngoại em có một mảnh đất  và sống chung với mẹ em, lúc trước ngoại có dự định sẽ chia 1000m2 cho H (chỉ là lời nói miệng hoàn toàn không có giấy tờ gì chứng minh cả) nhưng vì bệnh già gia đình lại khó khăn nên ngoại ủy quyền lại hết phần đất trên cho mẹ em để bán lo tiền thuốc và tiền viện phí cho bà. Hơn 5 năm trước, sau khi ngoại mất thì chị H gửi đơn kiện mẹ em, khi đó tòa án tỉnh xử mẹ em thắng kiện (mẹ em có đầy đủ các giấy tờ chứng minh như: giấy ủy quyền của bà ngoại, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai đã sang tên cho mẹ em nhưng hiện giờ mẹ em đã bán lại cho người khác). Nhưng cách đây vài tháng chị H lại tiếp tục khởi kiện và thuê luật sư bào chữa, gia đình em không muốn tham dự nhưng tòa án buộc phải tham gia, gia đình em nghĩ đơn giản do đã có giấy tờ đầy đủ chứng minh nên không thuê luật sư, kết quả là khi xử ở huyện, nhà em thắng kiện nhưng khi lên tỉnh họ lại xử nhà em thua kiện và buộc mẹ em bồi thường tiền, thật sự gia đình em  không hiểu tại sao tòa án tỉnh lại xử thế trong khi có giấy ủy quyền và mảnh đất đó đã bán cách nay đã rất lâu rồi. Lúc trước khi ngoại ủy quyền cho mẹ em bán đất ngoại cũng đã nói rõ với chị H do ngoại bệnh không có tiền nên phải bán và không cho chị H nữa (lời hứa cho lúc trước chỉ là lời nói miệng, không bằng chứng gì cả, lúc đó ngoại giận chị H vì không hiểu chuyện và cũng đã từ mặt). Em muốn luật sư tư vấn giúp em giờ em phải làm thế nào, nên nộp đơn khiếu nại lên tòa án tỉnh hay Tòa án nhân dân tối cao .Tỉ lệ thành công là bao nhiêu?. Mẹ em không muốn theo vụ kiện này nữa bà nói bà mệt mỏi quá rồi, bà sẽ không  đóng án phí hay bồi thường gì hết , nếu như vậy có được không ạ hay sẽ bị cưỡng chế?. Gia đình em đang gặp 1 số trục trặc về kinh tế nên thật sự không thể bồi thường hay đóng án phí gì hết. Nếu thuê luật sư theo vụ này thì chi phí tối đa khoảng bao nhiêu vậy ?. Em chỉ muốn mẹ em khỏe mạnh  và bình an, không vướng vào mấy vụ kiện tụng này nữa. Thấy bà mấy hôm nay lo lắng mất ăn mất ngủ em xót lắm, mong luật sư tư vấn giúp e ạ. E chân thành cảm ơn luật sư.

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì bà ngoại bạn đã ủy quyền cho phép mẹ bạn được phép sở hữu và bán mảnh đất của bà để lo tiền chữa bệnh (có giấy tờ hợp pháp: giấy ủy quyền, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mẹ bạn) nên khi chị H khởi kiện đòi chia tài sản lần đầu tòa án đã xử cho mẹ bạn thắng. Tuy nhiên, tại thời điểm chị H khởi kiện lần 2 tòa lại xử cho chị H thắng kiện và yêu cầu mẹ bạn bồi thường cho chị H giá trị tài sản đã bán. Vì thông tin bạn trình bày không nêu rõ lý do vì sao tòa án phúc thẩm lại xử cho chị H thắng kiện (có thể chị H đưa ra được một số giấy tờ khác chứng minh về việc tặng cho tài sản của bà ngoại cho chị khi bà còn sống) cho nên chúng tôi không thể xác định chính xác quyết định của tòa án tỉnh là đúng hay sai?

 

Sau khi tòa án phúc thẩm có bản án, quyết định buộc gia đình bạn phải trả phần án phí và bồi thường tiền cho chị H thì gia đình bạn buộc phải chấp hành theo bản án đó. Nếu gia đình bạn cố tình không thực hiện theo bản án đã có hiệu lực của tòa án thì chị H có quyền yêu cầu bên thi hành án dân sự giải quyết buộc gia đình bạn phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Trong trường hợp gia đình bạn không thể trả bằng tiền mặt thì có thể trả bằng những tài sản khác như nhà, đất…

 

Trong trường hợp gia đình bạn không đồng ý với bản án, quyết định của tòa án phúc thẩm thì mẹ bạn có thể làm đơn gửi lên viện kiểm sát cấp tỉnh để yêu cầu xem xét vụ việc. Nếu xét thấy có sự sai xót trong quá trình giải quyết thì viện kiểm sát sẽ làm đơn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (điều 331) hoặc tái thẩm (điều 354 bộ luật tố tụng dân sự 2015) để xét xử lại vụ việc. Tùy theo điều kiện tài chính của gia đình thì bạn có thể sử dụng dịch vụ của một số văn phòng luật sư. Tuy nhiên, giá dịch vụ của từng văn phòng là khác nhau và phụ thuộc vào gia trị tài sản tranh chấp.

 

Theo đó, điều 331, 354 quy định:

 

Điều 331. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

 

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

 

2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

 

Điều 354 quy định người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm:

 

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

 

2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Thúy Vân- Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo