Luật sư Vũ Đức Thịnh

Trách nhiệm trả nợ khi vay tiền cho người thứ ba

Chào luật sư! nhờ luật sư tư vấn về trường hợp giải quyết tranh chấp trong trường hợp vay tiền cho người thứ ba làm ăn thua lỗ như sau: Hiện tại tôi đang sống ở ĐS, rất mong nhờ luật sư tư vấn dùm tôi vì tôi đang gặp một chuyện rất là khó khăn trong lĩnh vực tố tụng về kinh tế. Chồng tôi đang làm ở ngân hàng và có giúp cho một người anh bà con mượn một số tiền là 400 triệu. Số tiền mà chồng tôi mượn là từ một người mà anh bà con đó giới thiệu là em rể.

 

Người anh bà con đó nhờ chồng tôi nói dối với em rể của anh ta là có hồ sơ đáo hạn ở ngân hàng. Người anh bà con đó làm xây dựng và cũng đang gặp khó khăn và nghĩ là người cho mượn tiền là em rể anh ta, nếu có chuyện gì thì chắc anh em trong nhà tự giải quyết, nghĩ vậy, chồng tôi đã giúp người anh họ đó. Người em rể đó đã chuyển khoản vào tài khoản chồng tôi 400 triệu, sau một thời gian thì chồng tôi cũng đã chuyển khoản lại 300 triệu. Toàn bộ số tiền chồng tôi nhận được hay chuyển đi là đều là tiền của người anh họ đó, chồng tôi không có cắt xén hay lấy bớt một đồng nào cả.

Nhưng rồi cuối cùng, người em rể cũng phát hiện ra là chồng tôi nói dối, không có hồ sơ đáo hạn nào cả, toàn bộ số tiền đó đều đưa cho người anh bà con dùng hết. Người em rể biết là người anh họ đó không có khả năng chi trả 100 triệu còn lại thì lại quay sang đòi chồng tôi nhưng thực chất chồng tôi không sử dụng 100 tr thì sao mà trả được. Chồng tôi đã điện thoại nói người anh bà con phải giải thích với người em rể về số tiền 100 tr đó, cuối cùng thì người em rể cũng đồng ý là không đòi chồng tôi nữa.

Nhưng lại có một chuyện không hay nữa xảy ra là trước đây chồng tôi cũng đã giúp người anh bà con đó mượn tiền nhiều chỗ khác nữa.Vì cuộc sống vợ chồng tôi còn khó khăn, cũng muốn kiếm thêm thu nhập nên khi chồng tôi đứng ra mượn tiền với lãi suất thấp, rồi lấy tiền đó cho người anh bà con mượn với lãi suất cao hơn để ăn chênh lệch lãi suất. Sự việc sau đó vì người anh bà con phát hiện, bây giờ người anh bà con đó hùa vào với em rể của anh ta, nói em rể anh ta hãy đòi từ chồng tôi 100 tr còn lại đó. Em rể anh ta đã làm theo, bây giờ người em rể đó đã gởi cho chồng tôi một đơn tố cáo. nói nếu 10 ngày nữa không trả thì em rể anh ta sẽ gởi đơn tố cáo này cho công an và cho giám đốc ngân hàng chồng tôi đang làm việc.

Thực sự giữa chồng tôi và em rể anh ta chỉ có làm việc bằng miệng với nhau, mọi việc vay mượn cũng đều qua điện thoại. không có một giấy tờ vay mượn nào cả ngoại trừ trên sao kê tài khoản của chồng tôi là em rể anh ta chuyển khoản 400 tr và chồng tôi chuyển khoản lại 300 tr. Em rể anh ta đang viện cớ vào cái đó để mà kiện chồng tôi. Còn chồng tôi thì những lần làm việc với người anh bà con, những lần anh bà con nhờ mượn tiền em rể anh ta hay sử dụng số tiền đó như thế nào thì chồng tôi đều ghi âm vào điện thoại.

Vậy tôi nhờ luật sư tư vấn dùm, nếu người em rể đó thực sự kiện chồng tôi thì có đủ cơ sở pháp lý không, và chồng tôi liệu có bị gì không? Rất mong nhờ luật sư giúp dùm tôi, hiện tại vợ chồng tôi đang rất lo lắng. Xin chân thành cảm ơn luật sư.

 

>> Trách nhiệm trả nợ khi vay tiền giúp người khác, gọi 19006169 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, chồng bạn có vay tiền cho người anh bà con một số tiền 400 triệu đồng từ người em rể của người bà con đó, làm ăn được một thời gian và gặp khó khăn, người bà con đã hoàn trả 300 triệu đồng cho chồng bạn để trả lại cho người em rể kia.

 

Như vậy, giữa chồng bạn, người anh bà con và người em rể anh ta đã phát sinh hai mối quan hệ dân sự khác nhau.

 

Thứ nhất, quy định về hợp đồng dân sự và hợp đồng vay tài sản

 

Tại Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hình thức của giao dịch dân sự như sau:

 

“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

 

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

 

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

 

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”.

 

Theo quy định trên thì trường hợp vay tiền của chồng bạn vẫn được coi là một hợp đồng dân sự (giao kết bằng lời nói).

 

Mặt khác, tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản:

 

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

 

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

 

Thứ hai, về quan hệ dân sự giữa chồng bạn với người em rể

 

Giữa chồng bạn và người em rể kia đã phát sinh một quan hệ dân sự đó là quan hệ vay tài sản.

 

Theo thông tin bạn cung cấp, hai bên giao kết hợp đồng vay tài sản với nhau bằng lời nói vì vậy, đó vẫn được coi là một hợp đồng dân sự.

 

Tuy nhiên, trong quan hệ này lại có yếu tố lừa dối, đó là chồng bạn nói dối với người em rể của anh ta là “có hồ sơ đáo hạn ở ngân hàng”.

 

Tại Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.”.

 

Do có yếu tố lừa dối nên theo quy định của pháp luật thì hợp đồng vay tài sản này bị vô hiệu.

 

Mặt khác, tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu:

 

“Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

 

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

 

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

 

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

 

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

 

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”.

 

Như vậy, chồng bạn và người em rể có nghĩa vụ hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.

 

Thứ ba, về quan hệ dân sự giữa chồng bạn với người anh bà con

 

Giữa chồng bạn và người anh bà con đã phát sinh một quan hệ vay tài sản và hai bên đều phải có quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định về hợp đồng vay tài sản.

 

Do là hai quan hệ dân sự khác nhau nên việc hoàn thành nghĩa vụ dân sự của mỗi người cũng khác nhau. Cụ thể:

 

+ Chồng bạn phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền còn lại cho người em rể của người bà con;

 

+ Người anh bà con phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền còn lại cho chồng bạn.

 

Nếu như chồng bạn không hoàn trả lại người em rể kia thì người em rể đương nhiên có quyền làm đơn khởi kiện gửi đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

 

Ngược lại, chồng bạn cũng hoàn toàn có quyền làm đơn khởi kiện nếu như người anh bà con đó không trả số tiền còn lại (theo thông tin bạn cung cấp, những lần chồng bạn làm việc với người anh bà con, những lần anh bà con nhờ mượn tiền em rể anh ta hay sử dụng số tiền đó như thế nào thì chồng bạn đều ghi âm vào điện thoại. Đây chính là chứng cứ để chứng minh khi ra Tòa).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm trả nợ khi vay tiền cho người thứ ba. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Luật Gia: Vũ Đức Thịnh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo