Lò Thị Loan

Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện

Tôi có một vấn đề cần luật sư giải đáp giúp. Năm 2011 mẹ tôi có vay của một người quen số tiền 30 triệu đồng. Người đó nói ghi giúp một tờ giấy là nhận vay 1,2 tỷ đồng (ghi tại một thời điểm với nhiều mã tiền khác nhau) để họ dễ dàng đi vay vốn chỗ khác vì mẹ tôi có cắm sổ đỏ (đất chỗ tôi thuộc thị trấn nên có giá trị hơn). Nếu đồng ý như thế thì họ sẽ không lấy lãi số tiền 30 triệu trên và sau khi vay xong họ xé tờ giấy ghi nhận nợ 1,2 tỷ nêu trên.

Do nhẹ dạ cả tin nên mẹ tôi đã chấp nhận, sau đó người đó nói với mẹ tôi là đã xé tờ giấy đó rồi. Bây giờ họ kiện mẹ tôi ra tòa đòi mẹ tôi trả 1,2 tỷ đồng. Vậy luật sư cho tôi hỏi tờ giấy ghi nhận nợ đó chỉ có chữ của mẹ tôi còn không có chữ ký thì có được coi là chứng cứ hay không? Và nếu thua kiện gia đình tôi có phải trả nợ cho mẹ tôi không vì thời điểm đó bố tôi đi làm trong nam hoàn toàn không biết gì về vấn đề này. Mong luật sư trả lời giúp, xin cám ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Giấy vay nợ có được coi là chứng cứ

 

Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về chứng cứ:

 

“Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”

 

Chứng cứ là những gì có thật như vậy để xác định giấy vay nợ có phải là chứng cư hay không thì Tòa án phải tiến hành xác minh. Vậy nên giấy ghi nhận nợ (do mẹ bạn viết nhưng không có chữ ký của mẹ bạn) được coi là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét giải quyết vụ án cùng với những chứng cứ khác được các bên đương sự cung cấp. Nếu như trên giấy tờ đó ghi nhận mẹ bạn đã nhận đủ 1,2 tỷ nhưng mẹ bạn có ghi âm lại hoặc có tin nhắn lưu trong điện thoại hoặc có người làm chứng về việc chỉ vay khoản tiền 30 triệu đồng chứ không phải 1,2 tỷ đồng nhưđã ghi trên giấy vay nợ thì đây cũng có thể coi như nguồn chứng cứ để chứng minh trước Tòa.

 

Bố của bạn có trách nhiệm phải trả khoản vay mà mẹ của bạn đã thực hiện hay không?

 

Điều 25 Luật Luật Hôn nhân và gia đình 2000 (đã hết hiệu lực ngày 31/12/2014 - vì thời điểm xác lập hợp đồng vay tài sản vào năm 2011) quy định về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện như sau:

 

“Vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình.”

 

Để xác định bố của bạn có phải trả khoản nợ này thay cho mẹ của bạn không cần phải căn cứ vào mục đích sử dụng khoản tiền vay nói trên. Nếu khoản vay được sử dụng vào mục đích đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình thì bố bạn sẽ phải liên đới chịu trách nhiêm trả nợ cho mẹ của bạn. (Nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình).

 

Nếu bố bạn chứng minh được khoản vay được sử dụng vào mục đích riêng và bố của bạn không hề biết đến việc mẹ bạn vay tiền thì mẹ của bạn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bên vay theo quy định của Điều 474 Bộ luật dân sự 2005:

 

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

 

2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

 

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

 

4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.

 

5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn dân sự trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV. Phương Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo