LS Trần Khánh Thương

Trách nhiệm khi xe của khách hàng bị mất

Hiện nay, tình trạng bị mất trộm xe, đặc biệt là xe máy diễn ra khá phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh - trật tự, an toàn xã hội, gây thiệt hại lớn về tài sản cho chủ phương tiện. Trên thực tế, có nhiều trường hợp khách để xe ở ngoài cửa hàng rồi vào mua đồ nhưng sau đó thì bị lấy trộm xe. Vậy trường hợp này cửa hàng có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng không?

1. Tư vấn quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo quy định của pháp hiện hành, trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể phát sinh trong hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng phát sinh khi giữa các bên có tồn tại mối quan hệ hợp đồng và một bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ, gây ra thiệt hại cho bên còn lại. Trường hợp không tồn tại mối quan hệ hợp đồng, người nào có hành vi xâm phạm đến đến tài sản của người thì có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trên thực tế, nhiều cửa hàng sẽ bố trí bảo vệ trông xe cho khách nhưng cũng có nhiều trường hợp cưa hàng không có bảo vệ, khách hàng phải tự trông giữ xe của mình. Vậy đối với trường hợp cửa hàng có thông báo khách tự trông giữ xe nhưng sau đó xe bị lấy trộm thì cửa hàng có phải chịu trách nhiệm bồi thường không?

2. Trả lời câu hỏi tư vấn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cửa hàng khi khách bị lấy trộm xe

Câu hỏi: Tôi làm ở một shop quần áo nữ. Ngày 28-1 có một phụ nữ đến mua hàng của tôi. Trong lúc thử đồ thì phát hiện xe bị trộm. Sau đó bắt chúng tôi bồi thường. Nhưng do shop không có bảo vệ và không có thẻ giữ xe. Shop chỉ có dán biển thông báo khách hàng tự giữ xe và có một dây để xích xe. Nhưng do tôi không khoá xích lại. Nay tôi muốn hỏi nếu bị kiện chúng tôi có chịu trách nhiệm bồi thường hay không. Xin tư vấn giúp tôi.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung bạn yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:

Thứ nhất, quy định của pháp luật về hợp đồng gửi giữ tài sản

Căn cứ quy định tại Điều 554 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 về Hợp đồng gửi giữ tài sản như sau:

“Điều 554. Hợp đồng gửi giữ tài sản

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.”

Theo quy định trên, khi có sự tồn tại của Hợp đồng gửi giữ tài sản thì bên nhận gửi giữ tài sản sẽ nhận tài sản từ bên gửi giữ để bảo quản và trả lại tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng.

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 557 BLDS năm 2015 về trách nhiệm của bên giữ tài sản như sau:

“Điều 557. Nghĩa vụ của bên giữ tài sản

4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.”

Theo quy định trên, bên giữ tài sản có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu làm mất tài sản của bên gửi tài sản, trừ trường hợp có xảy ra sự kiện bất khả kháng.

Theo như thông tin bạn cung cấp, cửa hàng không có bảo vệ và thẻ giữ xe; có thông báo về việc khách hàng phải tự giữ xe nên giữa cửa hàng và khách hàng không tồn tại mối quan hệ của hợp đồng gửi giữ tài sản, chưa có căn cứ để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Vì vậy, trường hợp này xác định theo quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Thứ hai, quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 584 BLDS năm 2015 về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Theo quy định trên, người nào có hành vi xâm phạm tài sản của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Hành vi xâm phạm được đề cập ở đây là hành vi trái pháp luật và đó là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả thiệt hại. Thiệt hại này cần phải xảy ra trên thực tế và xác định được.

Đối với trường hợp của bạn, cửa hàng không có bảo vệ trông xe nhưng có biển thông báo khách tự giữ xe và có trang bị dây khóa xe, khi khách hàng đến shop mua quần áo thì bị lấy trộm mất xe. Có thể xác định trách nhiệm trông giữ xe thuộc về khách hàng, cửa hàng trang bị dây khóa xe được xem như là một biện pháp hỗ trợ khách tự bảo quản xe của mình. Để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cửa hàng, cần xem xét việc lấy dây xích khóa xe cho khách có phải là nghĩa vụ của cửa hàng hay không? Theo quan điểm của chúng tôi, trách nhiệm tự bảo quản xe thuộc về khách hàng nên khách hàng cần phải áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho tài sản của mình, khách hàng có thể yêu cầu cửa hàng lấy dây xích khóa xe cho mình. Cửa hàng không có nghĩa vụ phải khóa xe cho khách vì đã thông báo khách tự trông giữ xe.

Như vậy, từ những phân tích trên, hành vi bạn không lấy dây khóa xe cho khách chưa phải là hành vi trái pháp luật, đồng thời cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả bị mất xe của khách hàng nên chưa đủ căn cứ để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo