LS Xuân Thuận

Trách nhiệm khi vô ý gây thương tích khi tham gia giao thông

Mẹ tôi bị tai nạn giao thông do học sinh gây ra (khoảng 8h 30 phút ngày x/x/2015). Học sinh không có giấy phép lái xe, và không làm chủ tốc độ , tay lái(chưa đủ tuổi) và gây tai nạn khiến mẹ tôi bị gãy xương đùi. Khi gây tai nạn cha mẹ cha của học sinh gây tai nạn tới năn nỉ và xin không truy tố và sẽ lo tiền viện phí (vì đối tượng gây tai nạn là con của họ và cha mẹ tôi k muốn con của họ bị đuổi học). Sau đó tới bệnh viện đóng phí cho mẹ của tôi.

 

Vì gia đình tôi thông cảm và bỏ qua nhưng với điều kiên bên gây tai nạn phải làm tròn trách nhiệm và lo sức khỏe của mẹ tôi . Nhưng hôm nay (x-x-2015) khi bác sĩ gọi điên tới báo đóng viện phí thì bên gây tai nạn phớt lờ.

Gia đình tôi có chụp lại biển số xe và có người làm chứng vụ việc xin đừng khiếu nại bên giao thông của đối tượng gây tai nan. Đồng thời người nhà bên gây tai nạn có tới bênh viện đóng viện phí nhập viện cho mẹ tôi.

Xin luật sư giúp đỡ cho gia đình tôi. Vụ việc này nếu bên gây tai nạn không chịu trách nhiệm và phủ nhận trách nhiệm thì gia đình tôi có thể khởi tố đựơc không? 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của mẹ bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp người học sinh đó đã có hành vi vi phạm điều khiển phương tiện của giao thông đường bộ thương tích cho mẹ bạn. Theo quy định tại Điều 604 Bộ Luật Dân sự năm 2005 căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

 

“1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường…”

 

Bạn không cung cấp thông tin em học sinh gây tai nạn cho mẹ bao nhiêu tuổi, nếu dưới 15 tuổi thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, nếu từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi thì phải chịu trách nhiệm bồi thường trên phần tài sản của mình, nếu không có tài sản hoặc tài sản không đủ để bồi thường thì gia đình em học sinh phải bồi thường cho mẹ bạn (Điều 606 Bộ Luật Dân sự năm 2005). Mức bồi thường theo thỏa thuận giữa hai bên, nếu có tranh chấp thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

 

Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009:

 

"Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

A) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

B) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

C) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

D) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

Đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."

 

Nếu em học sinh đó có lỗi trong việc gây tai nạn giao thông và gây thiệt hại về sức khỏe cho mẹ bạn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về độ tuổi thì từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm, từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng (Điều 12 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009).

 

Như vậy, nếu gia đình người học sinh kia đã thỏa thuận để giải quyết theo thương lượng của hai bên thì phải có trách nhiệm thực hiện. Bạn nên nói chuyện trao đổi cụ thể một lần nữa, nếu bên gia đình kia vẫn từ chối không thực hiện trách nhiệm thì bạn có thể báo lên cơ quan có thẩm quyền cùng các bằng chứng xác minh để yêu cầu giải quyết vụ việc theo pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm khi vô ý gây thương tích khi tham gia giao thông. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Luật gia: Bảo Lâm – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo