Cao Thị Hiền

Trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn giao thông

Câu hỏi: Em gái tôi bị tai nạn giao thông do một người điều khiển trong trạng thái say xỉn hậu quả là bị gãy 2 xương cẳng chân trái và xương đòn phải. Mặc dù em tôi chưa hồi phục nhưng Công An kêu em gái tôi lên giải quyết hậu quả thì có đúng không vì chưa hồi phục thì làm sao có thể tính đền bù được.


Xin Luật sư cho Tôi biết nếu giải quyết theo luật thì sẽ như thế nào. Hiện tại người gây tai nạn với em gái tôi thì đang thực hiện nghĩa vụ quân sự vậy thì sẽ giải quyết như thế nào?.

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 
-Thứ  nhất, trước hết phải xác định được tỷ lệ thương tật của em gái bạn thông qua giám định chuyên môn của cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ vào tỷ lệ thương tật này, cùng với lỗi lái xe khi có sử dụng chất kích thích mà người gây ra tai nạn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho e gái bạn như sau:
 
+ Về trách nhiệm hình sự:
 
Căn cứ vào lỗi và mức độ thiệt hại gây ra từ hành vi vi phạm của mình, mà người gây ra tai nạn giao thông có thể bị xử lý về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại điều 202, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009  như sau:
 
“Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ 

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; 

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
         
Tại khoản 1, điều 2, thông tư số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông. Có giải thích rõ về trường hợpgây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 202” như sau:
 
“Điều 2. Một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt
 
1. Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 202 đến Điều 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220; khoản 2 các điều 206, 207, 216, 218, 219, 222, 223 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
 
a) Làm chết một người;
 
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
 
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;
 
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản với giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;
 
e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ bảy mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng”.
 
+  Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
 
Bộ Luật Dân sự đã quy định, người nào có lỗi, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường. Trong trường hợp này, e gái bạn bị thiệt hại về sức khỏe, do vậy người gây ra tai nạn phải bồi thường cho em gái bạn theo những căn cứ quy định tại điều 609 Bộ luật dân sự năm 2005 như sau:
 
“Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm
 

1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
 
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
 
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
 
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
 
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
 
Cách xác định thiệt hại cụ thể do sức khỏe bị xâm phạm bạn có thể xem cụ thể hơn tại mục II.1 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. (khoản 1, điều 506, Bộ Luật Dân sự năm 2005).

Ngoài ra, việc tiến hành bồi thường có thể do người đại diện hợp pháp của người bị hại tiến hành. Do vậy, chỉ cần xác định được tỷ lệ thương tật sẽ tiến hành được việc bồi thường thiệt hại cho em của bạn thông qua người đại diện hợp pháp, mà không cần đợi đến khi em của bạn bình phục hoàn toàn mới tiến hành bồi thường.

- Thứ hai, người gây ra tai nạn cho em gái bạn đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Do vậy nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ do Tòa án quân sự tiến hành sét xử, việc bồi thường thiệt hại vẫn phải tiến hành. Còn các biện pháp xử lí, hình thức kỷ luật khác sẽ do đơn vị quản lý quân nhân đó thực hiện thực hiện.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn giao thông. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


CV. Bạc Hưởng - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo