Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Trách nhiệm của người bảo lãnh khi nghĩa vụ trả nợ đến hạn

Trong hợp đồng vay tài sản các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng, tuy nhiên để đảm bảo hơn nữa việc thực hiện nghĩa vụ các bên có quyền thỏa thuận các biện pháp bảo đảm. Hiện nay, theo quy định các biện pháp bảo đảm gồm có: cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản.

1. Luật sư tư vấn biện pháp bảo đảm trong hợp đồng vay tài sản

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhằm buộc người có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ mà họ đã cam kết, thoả thuận trong giao dịch dân sự. Trong trường hợp người có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đẩy đủ các nghĩa vụ mà họ đã cam kết, thì người có quyền có thể áp dụng biện pháp bảo đảm nghĩa vụ do các bên thỏa thuận hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp để buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết nhằm bảo đảm quyền lợi cho mình.

Trong số các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì biện pháp bảo lãnh là một trong những biện pháp được nhiều người lựa chọn trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng vay. Theo đó, bão lãnh là trường hợp người bảo lãnh cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện thay nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Như vậy, việc nắm rõ được các quy định của pháp luật liên quan đến hình thức bảo lãnh sẽ giúp cho các bên tránh được các tranh chấp phát sinh khi giao kết hợp đồng. Nếu quý khách có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hình thức bảo lãnh, quý khách có thể liên hệ với công ty Luật Minh Gia thông qua các hình thức như gửi Email tư vấn hoặc gọi tới số 1900.6169 để được bộ phận tư vấn pháp luật dân sự của chúng tôi tư vấn cụ thể về các vấn đề này theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Trách nhiệm của người bảo lãnh khi nghĩa vụ trả nợ đến hạn

Câu hỏi: Cho tôi hỏi về trách nhiệm của người bảo lãnh vay vốn như sau: Thời gian trước đây, vợ tôi có đứng ra vay ngân hàng 1 món tiền, hàng tháng trả 1 phần gốc và  lãi và tôi là người ký bên liên đới. Do mẫu thuẫn trong cuộc sống, hiện tại chúng tôi ly thân, và chưa ra tòa ly hôn. Hiện tại vợ tôi đã nghỉ việc ở công ty trước đây làm. Vài tháng gần đây, vợ tôi không trả được số tiền hàng tháng, nên bên ngân hàng có liên lạc với tôi để giải quyết, yêu cầu tôi trả tiền.

Nếu không sẽ làm văn bản lên cơ quan của tôi.  Tôi có trao đổi với vợ, số tiền đấy vợ tôi sẽ chịu trách nhiệm trả, không liên quan gì tới tôi. Xin quý công ty tư vấn, trong trường hợp của tôi:

1. Là người liên đới thì có trách nhiệm gì?

2. Và khi vợ tôi có nói tôi không có trách nhiệm, sẽ tự trả, thì về phía ngân hàng họ có thể giải quyết như thế nào?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, do anh không trình bày rõ khi giao kết hợp đồng anh và vợ anh cùng liên đới thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho ngân hàng (2 người cùng vay) hay anh là bên liên đới với tư cách của người bảo lãnh nhưng theo cách trình bày của anh chúng tôi hiểu rằng anh ký tên trong hợp đồng vay tài sản với tư cách là người bảo lãnh cho vợ anh như quy định điều 335 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”

Việc bảo lãnh sẽ chấm dứt theo quy định tại điều 343 Bộ luật dân sự 2015:

“Bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:

1. Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.

2. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

3. Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

4. Theo thỏa thuận của các bên.”

Do anh là người bảo lãnh nên nếu như đến hạn thanh toán nghĩa vụ mà vợ anh chưa trả nợ được cho ngân hàng đồng thời không được gia hạn thời gian trả nợ thì khi đó anh sẽ là người có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ này thay cho vợ anh. Ngân hàng có quyền yêu cầu anh thanh toán nghĩa vụ theo như đã cam kết trong hợp đồng, sau khi thanh toán nghĩa vụ trả nợ anh có quyền yêu cầu vợ anh bồi hoàn lại khoản tiền này. Nếu đến hạn anh từ chối thanh toán nghĩa vụ này thì Ngân hàng có cơ sở để khởi kiện yêu cầu anh hoàn trả nghĩa vụ bằng tài sản thay cho vợ anh.

Tuy nhiên, khi đến hạn mà chưa trả hết nợ vợ anh có thể xin gia hạn thời gian trả nợ với Ngân hàng. Khi này Ngân hàng tùy từng trường hợp cụ thể có thể gia hạn nếu xét thấy khả năng trả nợ vẫn còn.

Thứ hai, mặc dù giữa anh và vợ anh đã có thỏa thuận vợ anh sẽ là người trực tiếp chi trả khoản nợ này tuy nhiên thỏa thuận hủy bỏ việc bảo lãnh này phải được sự đồng ý của bên nhận bảo lãnh là Ngân hàng. Nếu không có sự xác nhận này thì thỏa thuận giữa anh và vợ anh sẽ không được pháp luật công nhận.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm của người bảo lãnh khi nghĩa vụ trả nợ đến hạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo