Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Trách nhiệm của các con khi bố tự vay tín chấp

Hỏi: Bố mình vay tín chấp ngân hàng số tiền 20 triệu, mỗi tháng trả góp khoảng 1.200.000. Vài tháng trở lại đây bố mình gặp khó khăn về tài chính, trả nợ chậm, phía ngân hàng thông báo nếu không trả nợ đúng hạn sẽ cho mời những người thân liên quan để tiến hành điều tra và xử lý.

Khi bố mình ký hợp đồng vay tiền mình ko có mặt, ko biết đến việc bố ký hợp đồng vay tiền và ghi thông tin người thân là mình để ngân hàng liên hệ khi cần thiết. Mình không sống cùng gia đình, cũng ko phải là người ký hợp đồng vay tiền, khi bố vay tiền cũng không có sự đồng ý hay chấp thuận của mình, mình ko có bất kỳ cam kết nào với ngân hàng.Trong trường hợp trên, nhờ Luật sư giải đáp giúp mình 2 vấn đề:

- Mình có phải chiu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan với HĐ bố mình đã vay tiền với ngân hàng ko?

- Trong trường hợp trả nợ trễ hạn hoặc mất khả năng thanh toán, bố mình sẽ bị xử phạt như thế nào? Xin chân thành cảm ơn quý Luật sư!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo thông tin bạn cung cấp, hiện nay bố bạn đang vay nợ tín chấp ngân hàng với tư cách là cá nhân và không liên quan đến bất kỳ ai. Kể cả trong trường hợp ngân hàng có yêu cầu người thân lên làm việc cũng chỉ là thông báo về việc bố bạn có vay nợ ngân hàng và hiện nay không chi trả được thôi. Việc vay nợ của bố bạn hoàn toàn không liên quan gì đến mọi thành viên trong gia đình. Vì đây là vay cá nhân nên bố bạn vẫn buộc phải có nghĩa vụ trả nợ. Căn cứ:

 

Điều 463 - Bộ luật dân sự 2015 quy định về Hợp đồng vay tài sản

 

“ Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định…”

 

Điều 466 - Bộ luật dân sự 2015. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

 

“ 1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

 

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

 

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

 

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác…”

 

Căn cứ vào các quy định trên, nếu như bố bạn trả nợ trễ hạn thì bố bạn cần phải thông báo với ngân hàng và đề nghị xin gia hạn thời điểm trả nợ. Nếu bố bạn mất khả năng thanh toán thì ngân hàng sẽ tiến hành thủ tục khởi kiện tại tòa án để yêu cầu bố bạn buộc phải trả nợ vay.

 

Trân trọng

P. luật sư tư vấn - Cty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo