Nguyễn Ngọc Ánh

Trách nhiệm của cá nhân trong vụ việc tai nạn giao thông

Tối ngày 30/10/2016, trên đường mua đồ về hướng từ Phan Thiết về Phan Rang, cháu điều khiển xe máy 86c-184.18 chạy với tốc độ bình thường, chạy trong phần đường dành cho xe mô tô và có chở theo sau vợ cháu bị xe khách (xe khách giường nằm, tuyến Sài Gòn-Huế) tông từ phái sau.

 

Nội dung yêu cầu: Hậu quả là cháu bị gãy kín ½ xương đòn bên phải, gãy cổ phẩu thuật xương cánh tay trái, gãy cung xương sườn 2,3,4 phải, tràn khí màng phổi hai bên. Vợ bị gãy hở độ 1 xương cánh tay trái. Sau khi xuất viện, ngày 01/12/2016 công an Huyện  hẹn gặp gia đình cháu và kết luận nguyên nhân như sau: Nguyên nhân vụ việc là do trên xe có 1 hành khách có dấu hiệu tâm thần dành giật tay lái nên đánh xe vào phần đường dành cho xe mô tô gây tai nạn. Cháu có hỏi thì anh công an báo đã trả xe khách về chủ sở hữu 15 ngày sau khi xảy ra tai nạn, vì tài xế xe khách không có lỗi. Lỗi thuộc hoàn toàn về người khách có dấu hiệu tâm thần trên xe đã dành giật tay lái nên xảy ra tai nạn. Hiện tại hành khách đó đang được đưa đi giám định tâm thần và chưa có kết quả. Bên nhà xe và gia đình người hành khách có gởi trước số tiền cho cháu là 17.000.000đ để chữa bệnh. Bác cho cháu hỏi 2 câu! 1. Việc công an huyện trả lại xe khách về chủ sở hữu trước đó mà không báo cho gia đình cháu biết gì hết như vậy có đúng qui định không? 2. Sự việc xảy ra như vậy thì lỗi thuộc về tài xế xe hay hành khách? Và ai là người phải chịu bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu? Cháu xin cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

 

1. Việc công an huyện trả lại xe khách về chủ sở hữu trước đó mà không báo cho gia đình cháu biết gì hết như vậy có đúng quy định không?

 

Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về xử lý vật chứng:

 

“ 1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

 

2. Vật chứng được xử lý như sau:

 

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;

 

b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;

 

c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;

 

d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;

 

đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.

 

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.

 

4. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.

 

Căn cứ Khoản 3 Điều 76, Điều 34 Bộ luật tổ tụng hình sự 2003, tại giai đoạn điều tra Thủ tưởng, Phó thủ trường Cơ quan điều tra có quyền xử lý vật chứng nếu thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.

 

Hơn nữa, BLTTHS không quy định buộc Cơ quan điều tra trước khi xử lý vật chứng phải báo với người nhà của bị hại nên không có căn cứ để khiểu nại cơ quan này.

 

Anh và gia đình có quyền gửi đơn kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra có câu trả lời về quyết định xử lý vật chứng của mình.

 

2. Sự việc xảy ra như vậy thì lỗi thuộc về tài xế xe hay hành khách? Và ai là người phải chịu bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu?

 

Điều 10 BLTTHS 2003 quy định trách nhiệm xác định sự thật của vụ án:

 

"Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

 

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội".

 

Theo quy định của pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án, có trách nhiệm làm rõ những chứng cứ xác định có tội,....

 

Trong vụ việc trên, với những tình tiết anh cung cấp thì chưa đủ cơ sở để đưa ra kết luận. Hơn nữa, chúng tôi chưa tiếp cận được các tài liệu có trong hồ sơ vụ án như: biên bản hiện trường, biên bản lấy lời khai của nhân chứng, của người nhà người nghi tâm thần, biên bản giám định tâm thần, ...

 

Để giải quyết yêu cầu của anh, chúng tôi sẽ đưa ra các quan điểm liên quan.

 

Thứ nhất, căn cứ Điều 202 Bộ luật hình sự, Điều 3 Thông tư liê tịch 09/2013, trường hợp có đủ căn cứ chứng minh người lái xe có hành vi vi phạm quy định pháp luật giao thông đường bộ; hành vi gây hậu quả nghiêm trọng; hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả thì người lái xe bị truy cứu TNHS và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

 

Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

 

“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

...”.

 

Điều 3 Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định Về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 Bộ luật hình sự)

 

"1. Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản".

 

Thứ hai, nếu có căn cứ chứng minh người lái xe hoàn toàn không có lỗi, hậu quả xảy ra do hành vi của người tâm thần (thông qua kết luận giám định tâm thần) thì cá nhân trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định như sau:

 

Điều 606 Bộ luật dân sự 2005 quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân:

 

"1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

 

2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này.

 

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

 

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường".

 

Trường hợp người tâm thần (có kết luận giám định mất năng lực hành vi dân sự) thì người giám hộ dùng tài sản của người bị tâm thần để thực hiện nghĩa vụ của họ; trường hợp không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường, trừ trường hợp người giám hộ chứng minh không có lỗi trong việc giám hộ dấn tới thiệt hại trên thực tế.

Vậy, để giải quyết triệt để vụ việc trên, xác định cá nhân có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ diễn biến vụ việc để đảm bảo quyền lợi cho gia đình anh.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm của cá nhân trong vụ việc tai nạn giao thông. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo