Vũ Thanh Thủy

Trách nhiệm của bên bán khi không thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng thương mại

Trường hợp các bên trong giao dịch kinh doanh, thương mại vi phạm nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng thì bị xử lý như thế nào? Bên có quyền lợi bị xâm phạm trong giao dịch kinh doanh, thương mại cần phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

1. Luật sư tư vấn Luật Dân sự

Hợp đồng mua bán hàng hóa là một trong những hợp đồng thông dụng trong các giao dịch dân sự hiện hành. Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên thường thỏa thuận về các điều khoản cụ thể liên quan đến loại hàng hóa, thời gian, địa điểm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng.

Thực tế hiện nay cho thấy trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa phát sinh không ít trường hợp một trong hai bên hoặc cả hai bên vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng. Điều này xâm phạm đến quyền và lợi ích của các bên trong giao dịch dân sự và kéo theo những tranh chấp không đáng có. Vì vậy, để bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của mỗi bên khi tham gia giao dịch, các bên cần tham khảo các quy định của pháp luật hoặc hỏi ý kiến luật sư chuyên môn về các điều khoản cụ thể trong hợp đồng. Trường hợp phát sinh tranh chấp mà chưa có phương hướng giải quyết cụ thể, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được hỗ trợ, tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn trường hợp bên bán không thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng

Câu hỏi: Xin chào Luật Sư! Tôi có trường hợp, mong nhận được sự hỗ trợ quý báu của Luật Sư. Tôi là đại diện của Công ty, cách đây không lâu, tôi có mua hàng của 1 công ty ở Hà Nội, khi mua hàng tôi có thanh toán 50% cho công ty đó tầm 65.000.000 vnd, công ty đó hẹn 15 ngày sau sẽ gửi hàng.

Nhưng hơn 20 ngày sau, công ty đó không gửi hàng cho tôi, qua liên lạc tới lui nhiều lần, công ty đó mới gửi cho tôi 1 ít hàng ( gọi là gửi cho có) chi phí gửi hàng đợt đó cũng tầm khoảng 25.000.000 vnd, đồng thời hứa với tôi là ít ngày sau sẽ gửi hàng tiếp, nhưng lại không gửi, và cứ trì trễ (Vì đơn hàng này kèm theo nhiều hàng của chúng tôi bị phát sinh nhiều vấn đề và hậu quả không tốt tới việc kinh doanh của chúng tôi với khách hàng). Sau đó, họ báo là tiến hành thanh lý hợp đồng mua hàng này và báo là sẽ hoàn lại cho tôi số tiền còn dư sau 15 ngày kể từ ngày kí (16/8/2018), tới nay khi tôi gọi điện báo hạn thanh toán thì họ cũng chỉ báo là đang kiểm tra và liên tục thoái thác, không muốn xử lý.Nay tôi muốn nhờ Luật Sư hỗ trợ, tư vấn giúp tôi nên như thế nào, hoặc thủ tục khởi kiện cá nhân và công ty đó,để họ không làm ảnh hưởng tới cá nhân và đơn vị khác nữa. Mong được sự hỗ trợ. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 434 Bộ luật dân sự 2015 về thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, cụ thể:

“1. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thỏa thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thỏa thuận; bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý.

2. Khi các bên không thỏa thuận thời hạn giao tài sản thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý.

3. Bên mua thanh toán tiền mua theo thời gian thỏa thuận. Nếu không xác định hoặc xác định không rõ ràng thời gian thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay tại thời điểm nhận tài sản mua hoặc nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản.”

Theo thông tin bạn cung cấp, hai bên có thỏa thuận sau 15 ngày bên bán có trách nhiệm giao hàng, nhưng hơn 20 ngày sau bên bán mới thực hiện giao một số sản phẩm cho công ty bạn. Sau đó, bạn và phía bên cung ứng hàng hóa có thỏa thuận gia hạn thời gian giao hàng, tuy nhiên, bên bán vẫn không thực hiện đúng theo thỏa thuận này. Như vậy, bên bán đã có hành vi vi phạm thời hạn thực hiện nghĩa vụ giao hàng.

Bên cạnh đó, bên bán yêu cầu thanh lý hợp đồng, họ có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền hàng đã nhận tương ứng với giá trị số lượng hàng hóa chưa giao cho bên mua.

Ngoài ra, nếu công ty bạn có thiệt hại thực tế phát sinh từ hành vi chậm giao hàng của bên bán. Trong trường hợp này, bên bán có nghĩa vụ bồi thường theo Điều 360 BLDS 2015 do vi phạm nghĩa vụ:

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Theo đó,  bên có nghĩa vụ có hành vi vi phạm gây thiệt hại cho bên kia, thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, hoặc luật có quy định khác.Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng, Điều 419 BLDS  2015 quy định:

“1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.

2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.”

Như vậy, trường hợp bạn có những căn cứ chứng minh về các thiệt hại do việc vi phạm nghĩa vụ của bên bán gây ra, ví dụ: khoản tiền bên công ty bạn phải bồi thường cho khách hàng vì không thực hiện nghĩa vụ,...thì có quyền yêu cầu bên bán bồi thường những khoản chi phí đó.

Đối với số tiền dư mà bên bán chậm trả cho công ty bạn thì bên đó có trách nhiệm phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, mức lãi suất chậm trả do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm.

Nếu các bên không thể thỏa thuận được về vấn đề bồi thường thì bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi tới Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu được giải quyết, hồ sơ bao gồm:

- Hợp đồng mua bán;

- Biên bản bổ sung, phụ lục, phụ kiện hợp đồng (nếu có). 

- Tài liệu về việc thực hiện hợp đồng như giao nhận hàng , các biên bản nghiệm thu, các chứng từ thanh toán, biên bản thanh lý hợp đồng.

- Tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện, của các đương sự và người có liên quan khác như: giấy phép, quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp.

 - Các tài liệu giao dịch khác (nếu thấy cần thiết);

- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao)

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo