Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi làm mất, làm hư hỏng tài sản của người khác

Khi làm mất tài sản người khác cho mình mượn hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác thì phải bồi thường thiệt hại như thế nào? Luật sư tư vấn cụ thể thông qua các tình huống sau:

Khi gây ra các thiệt hại cho người khác về tài sản, sức khỏe, tính mạng… thì người gây ra thiệt hại có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Vậy các vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại hiện nay được pháp luật quy định cụ thể như thế nào? Mức bồi thường thiệt hại được xác định dựa trên căn cứ nào?... Nếu bạn đang gặp các vướng mắc liên quan đến bồi thường thiệt hại bạn có thể liên hệ với Công ty Luật Minh Gia để được chúng tôi tư vấn cụ thể trường hợp của mình.

1. Tư vấn về việc bồi thường thiệt hại về tài sản

Nội dung câu hỏi: Chào luật sư, tôi xin trình bày sự việc như sau: hiện tại tôi bị bạn lừa mượn xe và bị bạn mang xe đi cầm, tôi đã báo công an và bạn tôi đã bị bắt nhưng bạn tôi hiện tại khai là cắm cho người quen nhưng không biết địa chỉ, hiện tại công an chỉ nói với tôi là nó nói không biết địa chỉ thì làm sao thu được xe và nói tôi cần bồi thường bao nhiêu nếu như bạn tôi không bồi thường được thì gia đình bạn tôi có phải chịu trách nhiệm bồi thường tài sản cho tôi không ạ? Luật sư có biện pháp nào để tôi có thể lấy lại tài sản của mình hay bồi thường sớm nhất không vì xe là phương tiện đi làm nuôi gia đình hiện tại nửa tháng nay tôi không có xe đi làm rất bất tiện ạ. Xin luật sư tư vấn cho tôi với ạ. Cám ơn luật sư!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Đối với vấn đề lấy lại chiếc xe thì sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế, cần phải có được thông tin rằng chiếc xe này hiện tại đang ở đâu? Nếu như Cơ quan cũng không hề có bất kỳ thông tin gì liên quan đến chiếc xe này thì bạn sẽ chưa thể lấy lại chiếc xe. Khi đó, bạn có căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ Luật dân sự 2015 cụ thể như sau:

Tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

...”

Tại Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

...

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

...”

Tại Điều 586 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:

“1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.”

Như vậy, căn cứ theo quy định đã nêu trên có thể thấy nếu bạn của bạn có lỗi gây ra thiệt hại mất chiếc xe thì có căn cứ để bạn yêu cầu bồi thường thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại căn cứ vào giá trị thực tế của chiếc xe hoặc theo thỏa thuận của các bên.

Đối với vấn đề người bạn của bạn trực tiếp bồi thường thiệt hại hay bố mẹ của bạn bồi thường thì còn tùy thuộc vào độ tuổi của người bạn đó. Nếu người này đã đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì người này có trách nhiệm tự bồi thường thiệt hại mà không liên quan đến trách nhiệm của bố mẹ.

2. Bồi thường thiệt hại về tài sản

Nội dung câu hỏi: Gia đình tôi năm 2005 tôi có mua mảnh đất trong ngõ, có đường đi lại được nhà nước công nhận. Vừa qua, cây trồng nhà bên đường đi có tỏa sang lấn mất đường đi, gây khó khăn cho việc đi lại. Tôi có tự chặt lấy để đi lại thuận tiện hơn (tôi chỉ chặt ở ngoài đường đi, không chặt vào trong đất họ). Nay gia đình trên kiện tôi, bảo tôi phá hoại tài sản gia đình họ, buộc tôi phải bồi thường 2 triệu đồng. Xin hỏi tôi có phải bồi thường gì không. Kính mong Luật minh gia sớm giải đáp cho tôi.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, nhà hàng xóm có trồng cây và số cây này tỏa lấn sang đường đi, gây khó khăn cho việc đi lại, bạn đã chặt phần tỏa ra của số cây này. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 175 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Căn cứ theo quy định này có thể thấy người sử dụng đất chỉ được trồng cây trong ranh giới đất thuộc sở hữu của mình, nếu cành cây vượt quá ranh giới thì phải cắt, tỉa phần vượt quá. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật không có quy định nếu phần cành cây vượt quá nhưng chủ sở hữu không xử lý thì bạn được quyền tự ý xử lý do đó việc bạn tự ý chặt phần cây của nhà hàng xóm là chưa phù hợp. Trong trường hợp này vẫn có căn cứ để nhà hàng xóm yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường sẽ căn cứ theo thiệt hại thực tế xảy ra.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo