Luật sư Dương Châm

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển

Thời đại 4.0 thúc đẩy các quan hệ mua bán qua mạng phát triển, kèm theo đó là sự nở rộ của các công ty vận chuyển. Theo đó, các vấn đề pháp lý liên quan tới hợp đồng vận chuyển tài sản cũng tăng nhanh, nhận được nhiều sự quan tâm. Trong đó vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hàng hóa bị hư hại, mất mát thuộc về ai là vấn đề còn nhiều khúc mắt, bài viết này sẽ phân tích sâu hơn về vấn đề này.

1. Luật sư tư vấn trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo điều 13 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thì cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Bên cạnh đó, điều 170 cũng quy định rằng chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại. Điều này có nghĩa chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác sẽ được pháp luật bảo vệ khi tài sản bị xâm phạm. Áp dụng với cả trường hợp tài sản là hàng hóa bị mất mát, hư hỏng trong hợp đồng vận chuyển. Vậy: 

Các yếu tố để xác định trách nhiệm bồi thường hại thuộc về chủ thể nào?

Mức bồi thường thiệt hại ra sao?

Chủ thể nào có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại?

Trường hợp nào được miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

Nếu bạn gặp như vướng mắc liên quan tới vấn đề trên, hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi tới tổng đài 1900.6169 để được giải đáp hoặc tham khảo tình huống tư vấn sau đây.

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hàng hóa hư hỏng trên đường vận chuyển

Câu hỏi tư vấn: Nhân viên nhận chuyển phát nhanh nhận hàng đi là tôm khô đã tư vấn cho khách hàng về thời gian vận chuyển và quá trình hàng đi, trong quá trình vận chuyển vẫn không có vấn đề, đến đơn vị giao hàng bị ướt bên ngoài hộp (có hình ảnh chứng minh) bên đơn vị giao đã lập biên bản đơn vị vận chuyển gần nhất về hàng bị ướt, sau đó đơn vị giao liên hệ người nhận phát hàng, người nhận kiểm tra hàng thấy hàng bị ướt, bên trong tôm bị mềm nên không nhận. Người gửi khiếu nại yêu cầu bồi thường, vậy ai sẽ là người bồi thường cho người gửi, nhân viên nhận có phải bồi thường hay không, hay đơn vị vận chuyển sẽ bồi thường hoặc đơn vị giao sẽ bồi thường.

Trả lời:

Thứ nhất, về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Theo như thông tin bạn cung cấp thì trong trường hợp này, người bán (người gửi) và bên vận chuyển phát sinh hợp đồng vận chuyển tài sản, có thể bằng văn bản, lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể. Theo đó, nghĩa vụ của bên vận chuyển theo quy định của điều điều 534 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:

“1. Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.

2. Giao tài sản cho người có quyền nhận.

3. Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

5. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Thêm vào đó trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại điều 541 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

1. Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 536 của Bộ luật này.

2. Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

3. Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Như vậy, trong trường hợp tài sản bị mất hoặc hư hỏng thì bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa các bên hoặc trường hợp bất khả kháng. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015).

Vậy, trước hết phải căn cứ vào hợp đồng đã giao kết của các bên về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản vận chuyển bị mất mát, hư hỏng, nếu các bên không có thỏa thuận thì sẽ áp dụng theo pháp luật. Nếu là trường hợp bất khả kháng mà bên vận chuyển đã làm mọi biện pháp khắc phục mà không thể đảm bảo kiện hàng không bị hư hỏng, mất mát thì sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu không thuộc trường hợp bất khả kháng thì phía vận chuyển sẽ phải bồi thường thiệt hại theo thiệt hại thực tế do bên mình gây ra.

Thứ hai, về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo thông tin cung cấp thì nhân viên nhận chuyển phát nhận hàng vận chuyển, khi đến đơn vị giao hàng bị ướt bên ngoài hộp (có hình ảnh chứng minh). Do vậy, có thể xác định hàng bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, trước khi đến đơn vị giao hàng.

Trong trường hợp này, bên vận chuyển sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trực tiếp với bên thuê vận chuyển (người gửi), tức bên bán vì họ là chủ thể giao kết hợp đồng với bên bán, bị ràng buộc về các quyền và nghĩa vụ với bên bán.  Theo quy định tại điều 597 Bộ luật Dân sự 2015:“Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, bên vận chuyển có quyền yêu cầu nhân viên vận chuyển của mình hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo