Nguyễn Kim Quý

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có tai nạn giao thông được quy định như thế nào?

Luật sư tư vấn về vấn đề bồi thường thiệt hại khi có tai nạn giao thông. Căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng được quy định như thế nào?

Nội dung tư vấn: Luật sư có thể tư vấn giúp tôi vấn đề này được không ạ. Tình hình là em tôi điều khiển xe khi qua ngã ba thì có xi nhan rẽ trái và va chạm với 1 phương tiện đi thẳng tới trên đường quốc lộ 13. Phương tiện kia đi vào làn giữa và chạy tốc độ cao nên đã tông vào giữa xe honda của em tôi khiến hư hỏng nặng, chủ phương tiện kia có dấu hiệu đã say rượu. Như vậy là bên nào phải chịu trách nhiệm bồi thường ạ? Theo tôi hỏi thăm thì bên công an báo là bên kia phóng nhanh vượt ẩu còn em tôi thiếu quan sát. Nhưng với tốc độ của bên kia khi va chạm thì rất khó để nói là thiếu quan sát. Mong luật sư tư vấn giúp tôi!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự bao gồm 4 yếu tố:

 

+ Có hành vi trái quy định của pháp luật của bên gây thiệt hại

 

+ Có thiệt hại xảy ra trên thực tế

 

+ Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với thiệt hại xảy ra trên thực tế

 

+ Do lỗi của bên gây ra thiệt hại

 

Trong trường hợp của em bạn thì để xác định bên nào có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì cần xác định bên nào có lỗi trong việc gây ra thiệt hại. Yếu tố lỗi được cơ quan có thẩm quyền xác định sau khi thực hiện việc kiểm tra, xác minh tại hiện trường. Vì trường hợp này, cơ quan công an chưa đưa ra kết luận điều tra nên sẽ có 2 trường hợp xảy ra như sau:

 

Trường hợp thứ nhất, chủ phương tiện kia không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại về tài sản với em của bạn, tức là việc thiệt hại về tài sản hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì căn cứ quy định tại Điều 584 BLDS 2015:

 

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

 

Theo quy định trên thì trường hợp cơ quan công an kết luận chủ phương tiện kia không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại về tài sản đối với em bạn thì người đó không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho em bạn, nếu các bên có thỏa thuận về việc chủ phương tiện đó phải có trách nhiệm hỗ trợ cho em bạn một khoản tiền để giúp đỡ  thì họ phải có trách nhiệm chi trả khoản tiền đó.

 

Trường hợp thứ hai, chủ phương tiện kia có lỗi trong việc gây ra thiệt hại về tài sản đối với em của bạn. Theo quy định của Điều 584 Bộ luật Dân sự, nếu chủ phương tiện kia có lỗi trong việc gây ra thiệt hại với em bạn thì người đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho em bạn, tuy nhiên, mức độ bồi thường như thế nào phụ thuộc vào mức độ lỗi giữa các bên. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong trường hợp này được quy định tại Điều 585 BLDS 2015 như sau:

 

“Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

 

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

 

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

 

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

 

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”

 

Như vậy, nếu chủ phương tiện kia có lỗi hoàn toàn trong việc gây ra thiệt hại cho người khác thì chủ phương tiện kia có trách nhiệm bồi thường toàn bộ và kịp thời thiệt hại theo quy định của BLDS cho em bạn. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, phương thức bồi thường thiệt hại bằng tiền, tài sản,… Nếu em bạn  cũng có lỗi và chủ phương tiện kia cũng có lỗi thì đối với phần thiệt hại do lỗi của em bạn gây ra thì người chủ phương tiện kia sẽ không có nghĩa vụ phải bồi thường mà người đó chỉ bồi thường phần thiệt hại trong phạm vi lỗi của mình gây ra.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo