Trần Diềm Quỳnh

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra

Hiện tại trước nhà tôi có một cây xanh mà trước đây Công trình đô thị tiến hành trồng cây cải tạo đường trước nhà, thời gian là 10 năm rồi, nhưng cách đây khoảng 3 năm tôi phát hiện phần rễ cây ăn lan dưới nền nhà trước của tôi làm cho gạch bị bong lên, lồi lõm, đi lại mà không để ý là vấp té (có chỗ gạch nhô lên hơn 2 cm).

Trước đây tôi có làm giấy gửi lên các cơ quan chức năng, họ đã phản hồi và nói rằng cho phép nhà tôi tự xử (tự chặt phần rễ cây đâm và hướng nhà hoặc chặt cả cây) nhưng tôi không đồng ý với cách làm này vì nó vô tình vi phạm pháp luật cây xanh đô thị, mà nơi đề xuất ý kiến cũng không cấp giấy tờ hay hỗ trợ kinh phí (vì cây đã khá lớn, cao trên 5m, phía trên còn có dây thông tin, cáp, điện). Trong trường hợp này tôi phải làm gì? Mức bồi thường cho tôi như thế nào?
 
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 

Thứ nhất, về vấn đề bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
 
Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra được quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
 
Điều 604. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra

 

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.


Theo quy định trên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được đặt ra với chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây cối với những thiệt hại do chính cây cối đó gây ra. Từ thông tin bạn cung cấp cây cối này chưa bị đổ, gãy gây ra thiệt hại về tính mạng hay sức khỏe con người, mà chỉ có phần rễ cây mọc lan làm độn gạch vỉa hè và đe dọa gây ảnh hưởng đến an toàn của người đi lại.

 

Do đó, nếu xét đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại, những thiệt hại về tính mạng hay sức khỏe chưa phát sinh nên chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây cối không phải bồi thường mà chỉ chịu trách nhiệm bồi thường với phần gạch bị độn lên. Trường hợp phần gạch bị hư hỏng do rễ cây mọc lan là tài sản thuộc sở hữu của bạn thì phía bên kia phải bồi thường cho bạn với phần tài sản bị xâm phạm. Bạn có thể yêu cầu mức bồi thường hợp lý dựa trên các cơ sở xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được quy định tại Điều 589 – Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

 

Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

 

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

 

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

 

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

 

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

 

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

 

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự cũng có quy định như sau:

 

Điều 177. Bảo đảm an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại

 

1. Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu.

 

Theo đó, trong trường hợp cây cối đó có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì bạn có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục như chặt cây hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc chặt cây và tháo dỡ.

 

Với trường hợp của bạn, cây cối đó không có nguy cơ sập đổ mà nhưng phần rễ cây đe dọa gây thiệt hại cho người qua đường thì tuy không áp dụng trực tiếp được quy định trên nhưng bạn có thể làm hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cho phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh.
 

Hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ được quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị như sau:
 

a) Đơn đề nghị nêu rõ vị trí chặt hạ, dịch chuyển; kích thước, loại cây và lý do cần chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị;
 
 

b) Sơ đồ vị trí cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển; 

 

c) Ảnh chụp hiện trạng cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển. »
 

Thời gian giải quyết cho việc cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển tối đa không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
 

Sau khi được cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển thì việc thực hiện chặt hạ được quy định tại khoản 7 Điều 14 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị như sau:
 
“a) Thời hạn để thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị không quá 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép;
 
...
 
c) Trước khi triển khai việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh, tổ chức hoặc cá nhân thực hiện phải thông báo cho chính quyền địa phương;
 

 
8. Đơn vị thực hiện dịch vụ quản lý cây xanh đô thị được giao nhiệm vụ chặt hạ, dịch chuyển cây xanh sử dụng công cộng đô thị trên địa bàn phải tuân thủ đúng quy định tại Điều này. Trong trường hợp chặt hạ, dịch chuyển cây xanh sử dụng công cộng đô thị và trồng cây mới phải bảo đảm đúng quy định tại Điều 11 Nghị định này .


 
9. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chính đáng về chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị ngoài việc tuân thủ các quy định tại Điều này còn phải có trách nhiệm đền bù giá trị cây, chịu mọi chi phí cho việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị ».


 
Về việc hỗ trợ kinh phí để chặt hạ, dịch chuyển cây chưa được pháp luật quy định cụ thể. Do đó, việc có hỗ trợ kinh phí cho gia đình bạn để chặt hạ, dịch chuyển cây hay không còn phụ thuộc vào cơ quan quản lý cây xanh.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn dân sự trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV.N.T.Linh – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo