Phạm Diệu

Trách nhiệm bồi thường khi tháo dỡ công trình gây thiệt hại cho nhà bên cạnh?

Luật sư tư vấn về trường hợp tháo dỡ công trình xây dựng gây thiệt hại cho công trình lân cận. Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính thưa luatminhgia ! Gia đình tôi mới mua 1 căn nhà, do mục đích sử dụng không phù hợp nên gia đình tôi quyết định tháo dỡ toàn bộ căn nhà hiện hữu để cất tạm căn nhà cấp 4 cho phù hợp với mục đích sử dụng. Trong khi tháo dỡ có khoan cắt bê tông và sơ xuất đã làm bể 1 mảng tường của căn nhà bên cạnh, trong quá trình khoan cắt bê tông không tránh khỏi việc gây ra những tiếng ồn và bụi bẩn khiến hộ bên cạnh rất khó chịu và họ đã gởi đơn khiếu nại đến ubnd phường. Sau đó cán bộ địa chính phường đã mời chúng tôi lên để hoà giải và tôi đã muốn viết cam kết về việc sẽ bồi thường toàn bộ những thiệt hại do quá trình tháo dỡ công trình cũ gây ra cho căn nhà kề bên. Nhưng chủ nhà kề bên dường như cố tình gây khó dễ và kéo dài thời gian thoả thuận , gây tổn thất về thời gian cho chúng tôi ( theo ý kiến của cán bộ địa chính phường thì sau khi 2 bên thoả thuận thì công trình mới được tiếp tục tháo dỡ). Chúng tôi đã ngừng tháo dỡ vì không muốn mất lòng hàng xóm. Nhưng vì xà bần còn vương vãi trên vỉa hè nên đơn vị tháo dỡ vẫn phải dọn dẹp cho gọn. Nhưng chủ nhà bên cạnh không đồng ý và tiếp tục khiếu nại , và cán bộ địa chính phường đã yêu cầu ngưng ngay và tuyên bố nếu không ngừng thì sẽ dùng biện pháp mạnh. Xin hỏi luatminhgia , nếu trong trường hợp chủ hộ kế bên không chịu hợp tác và cố tình yêu sách khiến chậm tiến độ thi công cho chúng tôi thì chúng tôi phải làm sao để có thể tiếp tục ? dùng biện pháp mạnh ở đây là làm như thế nào ạ ? Xin cảm ơn luatminhgia và rất mong được giải đáp!

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Tại Điều 605 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

 

Điều 605. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

 

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

 

Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

 

Mặt khác, tại Điều 15 Nghị định 180/2007/NĐ-CP:

 

Điều 15. Xử lý công trình xây dựng ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư

 

1. Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại:

 

a) Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận; Trường hợp các bên không thoả thuận được thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường tại toà án;

 

b) Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.

 

2. Trường hợp công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận, để vật tư, vật liệu và thiết bị thi công gây cản trở giao thông công cộng thì phải ngừng thi công xây dựng; chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phải có biện pháp khắc phục hậu quả; việc thi công xây dựng chỉ được phép tiếp tục khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và bảo đảm không làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực lân cận.

 

3. Trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải bị đình chỉ thi công xây dựng, đồng thời, áp dụng biện pháp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định này cho đến khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.”

 

Từ những căn cứ trên, khi gia đình anh/chị thực hiện việc tháo dỡ công trình có gây thiệt hại cho gia đình bên cạnh thì gia đình anh/chị phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp gia đình bên cạnh không chịu hợp tác giải quyết thì anh/chị thể nhờ sự can thiệp của Ủy ban nhân dân phường hoặc làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết.

 

Nếu trường hợp gia đình anh/chị không thực hiện các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15 Nghị định 180/2007/NĐ-CP thì sẽ bị đình chỉ việc thi công công trình, đồng thời áp dụng các biện pháp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 180/2007/NĐ-CP như sau:

 

“Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị; đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng;”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh/chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo