Nguyễn Ngọc Ánh

TỐ CÁO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM ĂN GIAN DỐI

Kính Thưa Luật Sư.Tôi nay xin có câu hỏi về vấn đề luật pháp kinh tế trong buôn bán và làm ăn với đối tác nước ngoài.

 

Nội dung yêu cầu: Tôi mở công ty (Giám đốc trên GPKD) và làm ăn hợp tác với một người Hàn Quốc, cùng nhau thuê văn phòng để đứng tên công ty tôi xuất khẩu mặt hàng chỉ sơ dừa đi qua Hàn Quốc, nhưng tôi lại ký hợp đồng với đối tác Campuchia , công ty Campuchia này cũng do người Hàn Quốc này đứng tên luôn để xuất hàng qua bên Hàn Quốc,  công ty Campuchia có trách nhiệm thanh toán tiền hàng cho công ty chúng tôi, và hàng được chuyển trực tiếp từ Việt Nam sang Hàn quốc. khi hàng tới cảng đến, chúng tôi yêu cầu  bên Campuchia thanh toán hết tiền 100%. (theo điều khoản hợp đồng) Nhưng vì lý do tin tưởng người Hàn Quốc do làm ăn đã lâu, nay công ty chúng tôi giao hàng luôn và chấp nhận thanh toán sau khi giao hàng. Xin giải thích thêm là Việt Nam bán hàng cho Campuchia và Campuchia bán hàng cho bên Hàn Quốc, hàng sẽ được chuyển trực tiếp từ Việt Nam sang Hàn Quốc mà không cần phải qua cảng ở Campuchia. Pháp nhân ký trên bản hợp đồng là người hàn quốc (đại điên pháp luật cho công ty Campuchia). Hiện tại tiền hàng đã 3 tháng nay mà bên Campuchia vẫn không thanh toán,(trị giá 13000$) liên lạc với ông ta thì ông ta cứ né tránh, mặt dù hiện tại ông ta vẫn thuê trọ ở Quận 2 để sinh sống cùng gia đình và con cái ông ta. Khi tôi liên hệ và tới nơi ở thì ông ta nói là sẽ không trả tiền. Nay xin hỏi luật sư trường hợp của tôi sẽ được giải quyết thế nào ? tôi có nên làm đơn gửi đến đại sứ quán Hàn quốc tại HCM hay không ? hay kiện thế nào để lấy được số tiền trên. Kính mong luật sư hỗ trợ và tìm cách cho chúng tôi.Cảm ơn luật sư rất nhiều và mong nhận được câu trả lời sớm nhất.

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

 

Theo anh trình bày, các bên tiến hành ký kết hợp đồng thương mại trên cơ sở tự nguyện, hợp tác và thiện trí. Sau khi hợp đồng phát sinh giá trị hiệu lực pháp lý, các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng, đầy đủ nội dung đã thỏa thuận. Trong vụ việc trên, mặc dù anh (đại diện cho tổ chức của Việt Nam) đã hoàn tất nghĩa vụ giao hàng nhưng bên đối tác (tổ chức nước ngoài) vi phạm nghĩa vụ, cố tình trốn tránh trách nhiệm của mình. 

 

Vậy, trường hợp bên mua hàng cố tình không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán thì anh (đại diện hợp pháp của bên bán hàng) có quyền gửi đơn tới cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

 

Thứ nhất, anh có quyền gửi đơn tới Tòa án nhân dân tỉnh theo quy định tại Điều 469, Điều 37, Điều 40 BLTTDS 2015:

 

Điều 469. Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

 

1. Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây: ...

 

 

đ) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;

...

2. Sau khi xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam theo quy định của Chương này, Tòa án áp dụng các quy định tại Chương III của Bộ luật này để xác định thẩm quyền của Tòa án cụ thể giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài".

 

Điều 40. Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu

 

"1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:

 

 

c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

...

g) Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;...".


Anh chuẩn bị đầy đủ các tài liệu như: Đơn khởi kiện, chứng minh thư nhân dân, và các chứng cứ khác chứng minh cho yêu cầu khởi kiện và nộp tại bộ phận một cửa của Tòa án nhân dân có thẩm quyền nêu trên.

 

thứ hai, nếu hành vi của cá nhân trên có dậu hiệu gian dối, lợi dụng lòng tin của anh hòng chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu hợp pháp thì anh có quyền gửi đơn tố giác tới Cơ quan công an để được thụ lý và kịp thời giải quyết:

 

Điều 101 BLTTHS 2003 quy định tố giác và tin báo về tội phạm:

 

"Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.

 

Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản".

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: TỐ CÁO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM ĂN GIAN DỐI. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Nguyễn. N. Ánh  - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo