Cà Thị Phương

Tính chất pháp lý của giao dịch dân sự bằng lời nói

Pháp luật dân sự quy định hình thức của hợp đồng như thế nào? Trường hợp giao kết hợp đồng bằng lời nói thì bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên như thế nào khi phát sinh tranh chấp? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề này thông qua tình huống sau đây:

1. Luật sư tư vấn Luật Dân sự

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Tuy nhiên, với các giao dịch dân sự được xác lập đa dạng và sôi động như thực tiễn hiện nay cho thấy tình trạng giao dịch dân sự được xác lập bằng lời nói, bằng hành vi diễn ra tương đối nhiều. Từ đó kéo theo những tranh chấp phát sinh liên quan đến vấn đề:

- Xác định thời hạn trả nợ;

- Xác định khoản tiền lãi theo thỏa thuận của các bên;

- Chứng minh hợp đồng thực tế giữa các bên,…

Vì vậy, nếu bạn đang gặp phải vướng mắc liên quan đến hợp đồng vay tiền bằng lời nói, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn về giao dịch dân sự bằng lời nói

Nội dung yêu cầu tư vấn: Kính Chào Công Ty Luật Minh Gia, em có một vấn đề cần bên công ty luật minh gia tư vấn giúp đỡ sự việc như sau, em có một thỏa thuận bằng miệng với một anh tên là N, để làm làm thủ tục cho cậu em trai của em để đi xuất khẩu lao động nước ngoài, sang cộng hòa Ba lan, với giá là 18000 Euro, em đã thanh toán tiền cho anh ấy bằng cách là chuyển tiền vào tài khoản của bố anh ấy theo như anh ấy yêu cầu, nhưng vì anh ấy không làm được thủ tục cho em trai em đi xuất khẩu lao động, nay em muốn đòi lại số tiền đó, vậy em phải làm như thế nào, vì mấy lần em gọi điện anh ấy không nghe máy, em đến nhà anh ấy nói chuyện với bố mẹ anh ấy xin trả lại tiền cho em, nhưng bác ấy không trả và nói là đi tìm con bác ấy mà đòi lại tiền, và bác ấy nói là tiền chuyển vào tài khoản của bác ấy, bác đã chuyển đi cho người ta rồi, nay em muốn nhờ công ty luật Minh gia tư vấn giúp em, liệu em có thể đưa sự việc ra trình báo công an để nhờ họ giúp đỡ hay không, bởi vì tin tưởng họ nên em không có viết giấy tờ hợp đồng gì hết, mà giữa hai bên chỉ thỏa thuận bằng miệng với nhau, và khi trả tiền thì chuyển tiền qua tài khoản của bố em, vào tài khoản của bố anh ấy, em có thể lấy giấy chuyển khoản ra làm bằng chứng được không ạ, rất kính mong sự giúp đỡ của công ty luật minh gia, em xin chân thành cảm ơn. 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về hiệu lực của thỏa thuận bằng miệng giữa bạn và anh N

Theo quy định về Điều 117 Bộ Luật Dân sự năm 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì:

“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

Đối chiếu với quy định tại Điều khoản 1 Điều 119 Bộ Luật dân sự 2015 về hình thức của giao dịch dân sự thì:

“Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”.

Bạn và anh N thỏa thuận bằng miệng về việc anh N sẽ giúp bạn làm thủ tục cho em trai bạn đi xuất khẩu lao động sang Ba Lan với giá 18 000 Euro. Anh N và bạn thực hiện  giao dịch khi đều có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật và hai bên đều tự nguyện, nội dung thỏa thuận của hai bạn đều không trái đạo đức pháp luật. Việc thỏa thuận bằng miệng giữa bạn và anh N là hình thức của giao dịch dân sự bằng lời nói.

Theo quy định tại Điều 401 Bộ Luật dân sự 2015 về hiệu lực của hợp đồng thì: 

“1. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

2. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật”.

Thời điểm giao kết hợp đồng đối với hợp đồng bằng lời nói theo quy định tại Điều 400 là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng. Như vậy, có nghĩa là từ thời điểm bạn và anh N đã thỏa thuận về nội dung anh N làm thủ tục cho em bạn đi xuất khẩu lao động với giá 18000 Euro và bạn thanh toán bằng cách chuyển khoản vào tài khoản của bố anh N là thời điểm hợp đồng bằng lời nói giữa bạn và anh N phát sinh hiệu lực. Hợp đồng đó được pháp luật thừa nhận.

Thứ hai, về quyền của bạn khi anh N không thực hiện nghĩa vụ

Khi hợp đồng phát sinh hiệu lực thì anh N phải hoàn thành việc làm thủ tục xuất khẩu lao động cho em trai bạn, bạn đưa tiền cho anh N. Tuy nhiên, khi bạn đã thực hiện nghĩa vụ đưa tiền nhưng anh N không thực hiện việc làm thủ tục cho em trai bạn thì bạn có quyền hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện theo Điều 425 Bộ Luật Dân sự.

Theo đó, hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng được xác định theo quy định tại Điều 426 Bộ Luật Dân sự năm 2015: 

“1. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.

2. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.

Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả.

Trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải được thực hiện cùng một thời điểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường.

4. Việc giải quyết hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này và luật khác có liên quan quy định.

5. Trường hợp việc hủy bỏ hợp đồng không có căn cứ quy định tại các điều 423, 424, 425 và 426 của Bộ luật này thì bên hủy bỏ hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.”

Do anh N không thực hiện nghĩa vụ làm cho mục đích của bạn không thể đạt được nên bạn được quyền hủy bỏ hợp đồng. Sau khi hủy bỏ hợp đồng bạn có quyền yêu cầu anh N hoàn trả số tiền đã nhận của bạn sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) trong quá trình anh N thực hiện hợp đồng. 

Nếu anh N không hoàn trả bạn số tiền đó thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa và giấy tờ chuyển khoản cũng là một trong những căn cứ để chứng minh cho thỏa thuận giữa bạn và anh N.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo