Luật sư Phùng Gái

Thừa kế theo pháp luật và việc định đoạt tài sản chung của gia đình?

Câu hỏi tư vấn: Gia đình chồng tôi có 2 anh em đều là nam và đã lập gia đình. Anh trai lập Gia đình từ năm 2001 còn em trai là chồng tôi kết hôn năm 2006. Năm 2008 Bố mẹ chồng tôi đã chia đất cho 2 anh em mọi thứ đều chia đôi có Biên bản rõ ràng mỗi người giữ 01 bản.

 

Gia đình chồng tôi có 2 anh em đều là nam và đã lập gia đình. Anh trai lập gia đình từ năm 2001 còn em trai là chồng tôi kết hôn năm 2006. Năm 2008 Bố mẹ chồng tôi đã chia đất cho 2 anh em mọi thứ đều chia đôi có Biên bản rõ ràng mỗi người giữ 01 bản. Người ghi biên bản là chú ruột của chồng tôi, biên bản đã được thông qua mọi người cùng nhất trí và ký vào biên bản gồm có: Bố chồng tôi, anh trai chồng tôi, chồng tôi và người ghi biên bản đã ký. Do 2 anh em đều công tác xa nhà nên chưa có dịp nào để làm sổ đỏ. Năm 2011 mẹ chồng tôi đã mất. Nay bố chồng tôi đã già gọi 2 anh em về quê làm sổ đỏ nhưng anh trai chồng tôi không đồng ý đòi chia lạị mà chồng tôi bảo làm theo biên bản bố mẹ đã chia. Xin hỏi luật sư như vậy có đúng không? Xin hãy tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Bộ luật dân sự về tài sản chung của hộ gia đình. Cụ thể:

 

Điều 108. Tài sản chung của hộ gia đình

 

Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.

 

Điều 109. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình

 

1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.

 

2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.

 

Điều 219. Sở hữu chung của vợ chồng

 

1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất.

 

2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

 

3. Vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

 

4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Toà án.

 

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn do không cung cấp quyền sử dụng đất ở đây là cấp cho hộ gia đình hay cấp cho cá nhân. Tuy nhiên, dù quyền sử dụng đất thuộc tài sản riêng cá nhân bố mẹ hay cấp cho hộ gia đình thì trong mọi giao dịch bắt buộc phải có chữ ký, sự đồng ý của mẹ chồng bạn mới có giá trị pháp lý. Theo đó, biên bản mà do bố lập năm 2008 nhưng lại không có chữ ký mẹ sẽ được xác định là vô hiệu. Nên thời điểm năm 2011 mẹ mất và người anh trai chồng bạn yêu cầu chia lại tài sản là có cơ sở, đúng quy định pháp luật nhưng chỉ có quyền yêu cầu chia thừa kế đối với phần di sản thuộc quyền sở hữu của mẹ, phần tài sản thuộc quyền sở hữu của ông ông tự định đoạt mà không ai có quyền yêu cầu chia. Do vậy, khi phân chia thì những người thừa kế hợp pháp sẽ gồm hai bố chồng, chồng và anh trai chồng chị quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005:

 

Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thừa kế theo pháp luật và việc định đoạt tài sản chung của gia đình?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo