Nguyễn Văn Cảnh

Thừa kế theo pháp luật và điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng

Mẹ em là mẹ đơn thân, gia đình chỉ có em và mẹ (trong sổ hộ khẩu) nhưng cách đây 10 năm, mẹ em đi thêm bước nữa, giữa mẹ em và bố em bây giờ không có con nào cả. Hiện tại em và mẹ em và bố em đang sống trên đất ông ngoại cho (Bắc Ninh), có xây nhà cửa rồi ạ. Còn bố em thì có nhà ở Lạng Sơn, vẫn còn con cái ở đó, thi thoảng đi đi vê về giữa hai nơi.


Trong sổ hộ khẩu thì chỉ có tên em và mẹ, nhưng bố mẹ em cũng đã ký giấy đăng ký kết hôn, người đứng tên sổ đỏ ở Bắc Ninh này là mẹ em.
Anh/chị cho em hỏi là ví dụ sau này mẹ em không có di chúc gì là chuyển nhà ở Bắc Ninh cho ai, thì ai sẽ là người thừa kế ạ? Hiện tại bố em có lương hưu ở trên Lạng Sơn, giả sử sau này bố em mất thì mẹ em có được hưởng trợ cấp lương hưu đấy không ạ?
Rất mong nhận được lời tư vấn của quý luật sư!
Em cám ơn!

Trả lời tư vấn: Luật Minh Gia cảm ơn câu hỏi và đề nghị tư vấn của bạn. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

*Trước hết là vấn đề ai sẽ là người thừa kế: Trường hợp sau này mẹ bạn mất không có di chúc thì theo quy định của pháp luật hiện hành trong trường hợp người chết không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia theo pháp luật. Khi chia di sản theo pháp luật, người thừa kế theo pháp luật sẽ hưởng thừa kế theo hàng thừa kế. Cụ thể hàng thừa kế được quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

Trong trường hợp này, vì hàng thừa kế thứ nhất của mẹ bạn vẫn còn hai người đó là bạn và bố bạn nên bạn và bố bạn sẽ được hưởng phần di sản mẹ bạn để lại.

 

Thứ hai, về vấn đề hưởng trợ cấp sau khi bố bạn chết (chế độ tử tuất): Theo trình bày của bạn, vì bố bạn đang được hưởng lương hưu nên theo quy định của pháp luật hiện hành, khi bố bạn mất thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014.

 

Về trợ cấp mai táng, tại Điều 66 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

 

Điều 66. Trợ cấp mai táng

 

1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:

 

a) Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên;

 

b) Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

 

c) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

 

2. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.

 

3. Người quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng quy định tại khoản 2 Điều này.

 

Đối chiếu với Điểm c Khoản 1 trên, thân nhân sẽ được nhận trợ cấp mai táng phíbằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng bố bạn mất.

 

Về trợ cấp tuấtthì tùy theo điều kiện, đối tượng hưởng mà gia đình bạn có thể được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần như sau :

 

Điều 67. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng

 

1. Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:

 

a) Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần;

 

b) Đang hưởng lương hưu;

 

c) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

 

d) Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên.

 

2. Thân nhân của những người quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:

 

a) Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

 

b) Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

 

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;

 

d) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

 

3. Thân nhân quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. Thu nhập theo quy định tại Luật này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.

 

4. Thời hạn đề nghị khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp tuất hằng tháng như sau:

 

a) Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày người tham gia bảo hiểm xã hội chết thì thân nhân có nguyện vọng phải nộp đơn đề nghị;

 

b) Trong thời hạn 04 tháng trước hoặc sau thời điểm thân nhân quy định tại điểm a khoản 2 Điều này hết thời hạn hưởng trợ cấp theo quy định thì thân nhân có nguyện vọng phải nộp đơn đề nghị.

 

Điều 69. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần

 

Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần:

 

1. Người lao động chết không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật này;

 

2. Người lao động chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 nhưng không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này;

 

3. Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 67 mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

 

4. Trường hợp người lao động chết mà không có thân nhân quy định tại khoản 6 Điều 3 của Luật này thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.

 

Đối chiếu với quy định trên, bạn có thể căn cứ vào trường hợp của mẹ bạn để xác định chế độ trợ cấp tuất.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thừa kế theo pháp luật và điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn thừa kế,trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV Lương Duyên – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo