Nguyễn Thị Lan Anh

Thừa kế theo pháp luật khi người mất không để lại di chúc

Thời hiệu phân chia di sản thừa kế được quy định như thế nào? Trường hợp vượt quá thời hiệu phân chia di sản thừa kế phải xử lý ra sao? Chủ thể nào có quyền với phần di sản thừa kế mà người mất để lại? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến thừa kế theo pháp luật khi người mất không để lại di chúc qua tình huống sau đây:

1. Luật sư tư vấn quy định về thời hiệu thừa kế:

Thời hiệu thừa kế là một chế định pháp lý quan trọng nhằm xác định đâu là người có quyền thừa kế với di sản mà người mất để lại. Vì vậy, để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của mình, bạn phải nắm rõ các quy định pháp luật thừa kế và văn bản pháp luật có liên quan. 

Trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể. Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến thời hiệu thừa kế, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Luật sư tư vấn trường hợp thừa kế theo pháp luật khi người mất không để lại di chúc:

 Nội dung tư vấn: Bà ngoại em mất ngày 03/4/1999 không để lại di chúc. Ngoại có 02 người con là cậu và mẹ em. Năm 2007 cậu đã xin hợp thức hóa toàn bộ phần đất ngoại em để lại mà mẹ em thì lấy chồng, đã cắt hộ khẩu và chuyển về sinh sống tại Quận khác nên không hay biết được chuyện này.

Trước lúc mất, cậu có làm 01 tờ giấy viết tay (được UBND xã xác nhận chữ ký là đúng) về việc cậu mợ tự nguyện ưng thuận chia đôi đất cho mẹ em trên phần đất bà ngoại để lại, không có sự ép buộc nào. Cậu mất vào tháng 10/2007. Vì tin tưởng và cũng vì nghĩ đã có lời hứa cũng như tờ giấy đó nên khi nào cần thì sẽ tách ra thôi. Nay mẹ em liên hệ mợ và các con của cậu để cùng ra xã làm thủ tục tách chia đôi đất, thì mợ và các con của cậu không đồng ý và tuyên bố là đất đó do ngoại em để lại cho 01 mình cậu em, cậu mất rồi thì mợ và các con được toàn quyền hưởng, chứ mẹ em không có quyền gì đòi chia.Tôi muốn tư vấn về trường hợp chia di sản thửa kế nhưng đã quá thời hiệu 10 năm. Vậy giờ có cách nào để khởi kiện được không?

Mong luật sư tư vấn giúp:

1/ Giờ em muốn đòi chia tài sản chung (vì đã quá hiệu lực để chia tài sản thừa kế) để giành quyền lợi cho mẹ em thì trình tự các bước phải làm thế nào?

2/ Việc cậu em xin hợp thức hóa mà ngày xưa UBND xã, huyện cấp như vậy có đúng pháp luật hay không? Trong khi hàng thừa kế thứ nhất là mẹ em vẫn còn sống mà không được thông tin hay có sự đồng ý?

3/ Nếu ủy quyền bên Luật sư lo giúp em toàn bộ vụ này thì chi phí là bao nhiêu?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất về vấn đề yêu cầu phân chia di sản thừa kế của bà ngoại

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bà ngoại bạn mất năm 1999 và không để lại di chúc. Hiện nay thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế là 30 năm đối với di sản thừa kế là bất động sản (Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015).Vì không có di chúc để lại nên di sản của bà được chia theo quy định của pháp luật cho tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Căn cứ quy định trên, trường hợp bà ngoại bạn mất đi và không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia theo pháp luật. Theo đó, di sản thừa kế sẽ được chia cho mẹ, cậu và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất khác. Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện nay mợ và các con của cậu đang quản lý di sản và không đồng ý chia di sản thừa kế làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mẹ thì mẹ bạn có thể gửi đơn khởi kiện kèm theo các chứng cứ chứng minh việc mẹ bạn được hưởng di sản thừa kế của mẹ bạn đến Tòa án để yêu cầu phân chia di sản thừa kế.

Thứ hai, xác định giá trị pháp lý của văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do người cậu đã lập

Điều 681 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về họp mặt những người thừa kế:

“1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thoả thuận những việc sau đây:

a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

b) Cách thức phân chia di sản.

2. Mọi thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.”

Thời điểm năm 2007 cậu của bạn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất là di sản thừa kế mà bà ngoại bạn để lại thì Luật đất đai năm 2003 vẫn có hiệu lực. Theo đó, căn cứ Điều 50 Luật đất đai năm 2003 quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:

“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;…”

Theo quy định trên, khi cậu của bạn có yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do được nhận thừa kế thì việc làm thủ tục sang tên phải được xem xét dựa vào điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai năm 2003 tức là phải có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc di chúc. Theo như thông tin bạn cung cấp thì bà ngoại bạn không để lại di chúc thì di sản thừa kế chia theo pháp luật. Bạn cần kiểm tra văn bản mà cậu bạn đã thực hiện có xác nhận của ủy ban nhân xã là văn bản gì và có sự tham gia lập và có thể hiện ý chí của mẹ bạn về việc phân chia di sản thừa kế của mẹ bạn hay không. Nếu không có chữ ký của mẹ bạn mà cơ quan có thẩm quyền vẫn cấp giấy chứng nhận cho cậu của bạn thì mẹ bạn có thể khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế tại Tòa án và yêu cầu để Tòa án xem xét hủy Quyết định hành chính trái pháp luật này.

Về phí dịch vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý có sự khác nhau nên chúng tôi không thể cung cấp cụ thể cho bạn, bạn có thể tham khảo ở một số đơn vị tại địa phương bạn đang sinh sống để lựa chọn sử dụng dịch vụ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thừa kế theo pháp luật khi người mất không để lại di chúc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng!

CV: Thu Hưởng – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo