LS Vũ Thảo

Thừa kế theo di chúc và theo pháp luật?

Tư vấn trường hợp bà để lại di chúc cho 3 cháu một mảnh đất. Nhưng thực tế bố của những người cháu này đang đứng tên trong giấy tờ đất. Di chúc của người bà có hiệu lực pháp luật không? Và chia di sản thừa kế khi người mẹ mất như thế nào?

Nội dung tư vấn: Dạ! chào luật sư, em có vấn đề thắc mắc cần sự tư vấn của luật sư như sau.cha mẹ em sống với nhau 30 năm và có 3 người con. Tài sản riêng của ba mẹ em là 8000m2 đất nông nghiệp.còn lại 21000m2 bao gồm đất thổ cư và đất ngông nghiệp là của bà tôi.khi gặp khó khăn về tài chính bà tôi cho cho cha tôi đứng tên trong giấy tờ sử dụng đất để vay ngân hàng. Sau vài năm canh tác.bà tôi thấy không tin tưởng cha tôi nữa nên làm di chúc để lại chia cho 3 đứa cháu phần đất của bà tôi khi bà mất và có sự làm chứng của thân tộc.đến khi bà tôi mất mẹ tôi công khai bản di chúc đó nhưng cha tôi không đồng ý và nói cha tôi đứng tên trong giấy tờ đất lâu rồi nên bản di chúc của bà tôi không có ý nghĩa.giờ phần đất đó là của cha tôi ông muốn chia hay không là quyền của cha tôi.1 năm sau mẹ tôi cũng mất cha tôi cũng không chịu chia và có ý định cưới vợ 2.Vậy luật sư cho tôi hỏi 2 vấn đề.1. Bản di chúc của bà tôi có hiệu lực không.2. Mẹ tôi mất vậy 3 chị em tôi có được hưởng quyền thừa kế phần của mẹ tôi không và phần được hưỡng của mỗi người là bao nhiêu.Xin chân thành cảm ơn !

 

Trả lời tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi giải quyết như sau:

 

Căn cứ Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất như sau:

 

“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.”

 

Theo quy định trên, bà bạn là người sử dụng đất nên có quyền chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho,… cho bất kì ai. Do đó, ở đây cần xem xét nguồn gốc việc bố bạn đứng tên trong giấy tờ sử dụng đất là có hợp pháp hay không? Việc tặng cho của bà bạn sang bố bạn được thực hiện như thế nào? Nếu bố bạn là chủ sở hữu hợp pháp của mảnh đất trên thì bố bạn sẽ toàn quyền quyết định việc chia hay không chia mảnh đất. Khi đó, bản di chúc của bà bạn sẽ mất hiệu lực, vì lúc này miếng đất đã được chuyển nhượng từ bà bạn sang bố bạn. Tại thời điểm bà còn sống thì tài sản này đã là tài sản riêng của bố bạn, bà bạn sẽ không có quyền quyết định.

 

Căn cứ Khoản 3 Điều 643 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hiệu lực di chúc: “Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.”

 

Như vậy, tại thời điểm mở thừa kế - tức là thời điểm bà mất, thì di sản để lại cho con cháu đã không còn ( lúc này nó đã là của bố bạn ). Trừ khi bạn chứng minh được bố bạn đứng tên trong giấy tờ là bất hợp pháp, thì lúc này di chúc sẽ có hiệu lực, chị em bạn sẽ được hưởng quyền thừa kế theo di chúc đó.

 

Đối với di sản thừa kế của mẹ bạn. Vì mẹ bạn mất không để lại di chúc, nên chị em bạn sẽ được hưởng thừa kế theo pháp luật. Căn cứ Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hàng thừa kế như sau:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

 

Theo quy định trên, ba chị em bạn, bố bạn, ông bà ngoại bạn (nếu còn sống) sẽ là những người được quyền hưởng di sản thừa kế của mẹ bạn, và mỗi người được hưởng phần di sản bẳng nhau. Từ thông tin bạn cung cấp, tài sản chung của bố mẹ bạn là 8000m2 đất nông nghiệp, như vậy 4000m2 mảnh đất này sẽ là di sản thừa kế của mẹ bạn. 4000m2 đất sẽ được chia đều cho ba chị em bạn, bố bạn, ông bà ngoại bạn.

 

Tóm lại, với di chúc của bà bạn, nếu việc bố bạn đứng tên trên giấy tờ đất là hợp pháp thì di chúc sẽ vô hiệu. Đối với phần di sản của mẹ bạn thì sẽ chia đều 4000m2 đất cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Vũ Thảo - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo